Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, bài 1:

Phát huy tốt lợi thế, tiềm năng kinh tế 3 huyện biển

03/10/2018 - 08:27

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải gặp gỡ các nhà đầu tư, các chuyên gia về phát triển du lịch tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: C. Trúc

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải gặp gỡ các nhà đầu tư, các chuyên gia về phát triển du lịch tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: C. Trúc

Theo chương trình, hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ thảo luận và thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đối với tỉnh ta, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 11, ngày 19-4-2007. Trên cơ sở đó, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch để triển khai, trọng tâm là định hướng phát triển kinh tế - xã hội 3 huyện ven biển, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Qua 10 năm thực hiện, tỉnh ghi nhận nhiều kết quả rõ nét, trong đó nổi bật nhất là phát huy tốt lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khai thác và chế biến hải sản

Tỉnh xác định kinh tế nông nghiệp chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của 3 huyện biển. Trong đó, so với các địa phương khác, hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là thế mạnh. Qua 10 năm phát triển, tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản thuộc 3 huyện ven biển ổn định khoảng 38.000ha, với tổng sản lượng đạt 61.000 tấn, trong đó tôm biển chiếm trên 2/3.

Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, so với toàn tỉnh, diện tích nuôi trồng 3 huyện ven biển chiếm 92,4% và giá trị sản xuất thủy sản trên 75%. So với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng tôm biển của tỉnh nằm trong top 3 tỉnh có sản lượng cao nhất. Tôm biển của tỉnh cũng đang hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Về chất lượng con tôm biển của tỉnh, các doanh nghiệp thu mua cho biết, tôm được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước đánh giá cao và khá ổn định.

Các huyện biển đã được đầu tư xây dựng cảng cá, khả năng đáp ứng cho 150 lượt tàu cá/ngày (loại tàu lớn nhất cập cảng 600 CV). Riêng cảng cá huyện Bình Đại đang được nâng cấp, mở rộng lên cảng cá loại 1 với công suất 40 ngàn tấn/năm. Hoạt động của các cảng cá đã mang lại hiệu quả thiết thực, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện ven biển vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản 3 huyện ven biển, như đầu tư hệ thống thủy lợi cấp thoát nước trong vùng nuôi, nâng cấp hệ thống đường giao thông trong vùng nuôi và vùng lân cận, phát triển hệ thống cung cấp điện phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển mạnh loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, sơ chế hàng thủy sản, qua đó góp phần nâng giá trị tiêu thụ sản phẩm ngang bằng với các cảng cá trong khu vực.

Riêng hệ thống hạ tầng giao thông 3 huyện ven biển được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư. Đến nay, đường đến các huyện biển không còn cầu tạm, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh có các tuyến xe buýt từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các huyện biển. Các huyện biển cũng đã tổ chức các tuyến xe liên tỉnh đến các tỉnh miền Đông, miền Tây phục vụ vận chuyển, lưu thông hàng hóa của địa phương. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn 3 huyện ven biển đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là đối với người dân vùng ven biển.

Phát triển du lịch và công nghiệp

Toàn tỉnh có tổng chiều dài bờ biển khoảng 65km. Thời gian qua, tỉnh chủ trương ổn định diện tích rừng ven biển góp phần hạn chế xói lở vùng ven biển và khu vực cửa sông, bảo vệ khu vực sản xuất bên trong. Công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng dân cư vùng ven biển quyết tâm thực hiện. Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, ươm cây giống, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ… Ngoài ra, tỉnh tập trung triển khai dự án sắp xếp ổn định dân cư gắn với bảo vệ rừng, hạ tầng tái cơ cấu vùng nuôi tôm lúa khu vực xã Mỹ An và xã An Điền (huyện Thạnh Phú), dự án Đê biển huyện Thạnh Phú, Bình Đại…

Các huyện biển đã được đầu tư xây dựng cảng cá, khả năng đáp ứng cho số lượng tàu cập bến mỗi ngày. Ảnh: Mã Phương

Các huyện biển đã được đầu tư xây dựng cảng cá, khả năng đáp ứng cho số lượng tàu cập bến mỗi ngày. Ảnh: Mã Phương

Những năm gần đây, tỉnh dồn sức kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch 3 huyện biển. Số lượng khách tham quan tại các huyện ven biển tăng hàng năm (bình quân 15%/năm). Doanh thu ngành du lịch tăng bình quân 25%/năm. Đặc biệt, tại Thạnh Phú, du lịch biển đang phát triển rất mạnh, với lượng du khách năm 2018 tăng đột biến so với cùng kỳ, tạo bước đột phá cho du lịch chung của tỉnh nhà. Lãnh đạo huyện đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư có khả năng dẫn dắt ngành du lịch huyện nhà vươn xa.

Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung gắn với phát triển các khu đô thị ven biển được tỉnh quan tâm đầu tư. Hiện, tỉnh đang thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Thuận và Cụm công nghiệp Bình Thới (Bình Đại); Cụm công nghiệp An Hòa Tây, Cụm công nghiệp Thị trấn - An Đức (Ba Tri); lập quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp An Nhơn (Thạnh Phú).

Đánh giá một cách tổng quan, thời gian qua, bên cạnh bám sát và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh đã luôn chủ động trong đầu tư phát triển kinh tế biển một cách toàn diện. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mời gọi đầu tư về các huyện biển. Kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, tăng trưởng kinh tế cũng như thu nhập bình quân đầu người ở 3 huyện biển đang vượt lên dẫn đầu so với toàn tỉnh.

Cẩm Trúc 

Phát triển du lịch thúc đẩy phát triể̉n nông nghiệp

Huyện Thạnh Phú đang tận dụng thế mạnh và tiềm năng hiện có của địa phương để tập trung phát triển nông nghiệp, làm nền tảng phát triển du lịch của huyện biển và ngược lại, lấy du lịch thúc đẩy phát triển nông nghiệp. “Cần định hướng rằng du khách đến với Thạnh Phú sẽ để trải nghiệm một nơi mới lạ, còn nhiều hoang sơ nhiều hơn là đến hưởng thụ… Du lịch Thạnh Phú cần tận dụng những thế mạnh đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch giúp du khách trải nghiệm nhiều hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thệ - Giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) nhận định.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn cho biết, huyện sẽ đầ̀u tư du lịch tập trung vào 4 nhóm: du lịch trải nghiệm lịch sử văn hóa, sinh thái rừng; di tích lịch sử; liên kết nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; du lịch ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN