“Đảng ta hiện đương lãnh đạo việc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Phong trào mỗi ngày một tiến nên công việc của Đảng mỗi ngày một phức tạp. Mỗi việc của Đảng cần phải thấu suốt từ trên xuống dưới, chính sách của Đảng phải được thi hành đầy đủ. Vì vậy, Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không, Đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng”.
Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đưa công tác xây dựng Đảng đi vào nề nếp. Sáu mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, ngành kiểm tra đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương; công tác kiểm tra đã tham mưu, phục vụ tốt nhiều cuộc vận động lớn, nhằm làm trong sạch nội bộ và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên, thể hiện qua các cuộc vận động lớn như: “Ba xây ba chống”; về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa; về kiểm tra tư cách đảng viên; về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; về cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần NQTW6 (lần 2); về thực hiện NQTW3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; về thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp luôn giữ vững khí tiết, thể hiện sự trung thành với Đảng, tận tụy với nhân dân, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Muốn hoàn thành tốt mọi công việc thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Muốn làm được như vậy, bên cạnh sự tự giác thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra của Đảng. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và nguyên lý “không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”, Đảng ta luôn xác định: “Kiểm tra là một chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện”.
Từ thực tiễn của cách mạng miền Nam, đầu năm 1969, thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh ủy Bến Tre lập cơ quan chuyên trách công tác kiểm tra đi vào hoạt động. Sau ngày thống nhất đất nước, kể từ Đại hội I của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 1977 – 1979), cấp huyện có cơ quan kiểm tra chuyên trách, đến Đại hội III của Đảng bộ tỉnh (1983 – 1986), hệ thống cơ quan kiểm tra của tỉnh đã hoàn chỉnh. Sau các lần đại hội, cơ quan kiểm tra các cấp luôn được kiện toàn, củng cố và phát triển như ngày nay. Gần 40 năm qua, cơ quan kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ kiểm tra của tỉnh nhà luôn kiên định vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cấp ủy giao. Cơ quan kiểm tra các cấp luôn giữ tính độc lập trong hoạt động, đồng thời chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với các ban Đảng góp phần xây dựng Đảng trên ba lĩnh vực chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ và công tác kiểm tra; ngành kiểm tra phối hợp tốt với các ngành nội chính trong việc kiểm tra thi hành kỷ luật trong Đảng và kỷ luật hành chính. Trong hoạt động, công tác kiểm tra luôn thể hiện vô tư, trong sáng, khách quan trong xem xét kết luận từng vụ việc, nhất là việc đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, xử lý và đề nghị xử lý vi phạm đúng đối tượng, đảm bảo giữ nghiêm kỷ cương kỷ luật trong Đảng, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch, vững mạnh. Từ khi ra đời đến nay, đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có nhiều đồng chí trưởng thành giữ nhiệm vụ cao ở Trung ương như đồng chí Nguyễn Văn Thới, nguyên UVTW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí: Trần Văn Truyền – UVTW Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, và nhiều cán bộ khác trưởng thành ở địa phương. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, 65 tập thể, cá nhân được tặng huân chương, huy chương các loại; 435 đồng chí nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp kiểm tra của Đảng” và nhiều bằng khen của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Sau Đại hội X của Đảng, ngành kiểm tra được giao thêm nhiệm vụ giám sát. Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh vừa qua, các cấp ủy tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 24-11-2006 của Bộ Chính trị về "Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII Chương VIII Điều lệ Đảng"; các quyết định của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện công tác giám sát; Nghị quyết số 14-NQ/TW của HNTW5 (khoá X) và Chương trình hành động số 15- CTr/TU ngày 17-10-2007 của Tỉnh ủy “về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, triển khai đến các cấp ủy Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp để tổ chức thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp tiến hành giám sát 263 tổ chức và 717 đảng viên, nội dung giám sát cụ thể như: giám sát việc quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của cấp ủy cấp trên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí; việc giáo dục rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên; thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", việc thực hiện quy chế hoạt động. Nhờ làm tốt công tác giám sát đã góp phần tạo nên kết quả thể hiện ở đánh giá tổ chức cơ sở Đảng cuối năm 2007, có 512 tổ chức trong sạch vững mạnh, tỷ lệ 86,93%, trong đó có 120 cơ sở trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, tỷ lệ 20, 37%; 6 tổ chức yếu kém, tỷ lệ 1,02%. Hai năm rưỡi qua, đã kiểm tra 28.795 đảng viên (có 4.366 cấp ủy viên các cấp), 2.076 tổ chức Đảng về chấp hành chỉ thị, nghị quyết và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Qua kiểm tra kết luận, phần lớn cán bộ, đảng viên chấp hành tốt nội dung được kiểm tra (số đảng viên có vi phạm: 79; vi phạm phải xử lý kỷ luật: 35; có 28 tổ chức vi phạm được phê bình nhắc nhở, chưa đến mức xử lý kỷ luật). Tổ chức kiểm tra 22 tổ chức Đảng và 795 đảng viên có dấu hiệu vi phạm (có 315 cấp ủy viên); giải quyết 261 trường hợp đảng viên bị tố cáo (có 118 cấp ủy viên); xử lý kỷ luật 9 tổ chức Đảng và 1.045 đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng (có 357 cấp ủy viên); đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ giám sát, có giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề, thường xuyên phúc tra lại các kết luận kiểm tra. Ngành kiểm tra đã hoàn thành việc kiểm tra tổ chức cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và việc thi hành kỷ luật trong Đảng, kiểm tra tài chính Đảng theo kế hoạch hàng năm. Các hoạt động kiểm tra, giám sát đã góp phần phục vụ tích cực cho công tác xây dựng Đảng, thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Tỉnh ủy, của ngành, địa phương có tác dụng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng; giáo dục và ngăn ngừa vi phạm, góp phần làm trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành kiểm tra là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành, khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm, động viên nhau kế thừa và phát huy hơn nữa những thành tựu của ngành đã đạt được trong những năm qua; đồng thời kiên quyết khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém để từng bước nâng lên về chất lượng hoạt động của đội ngũ trong ngành kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra với nguyên lý “không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động kiểm tra của Đảng.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, đội ngũ làm công tác kiểm tra cần có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được đề ra trong NQĐH VIII của Đảng bộ tỉnh, NQTW5 (khoá X) “về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, ngành kiểm tra cần phấn đấu đạt được những nhiệm vụ cơ bản như sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu quán triệt sâu các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp theo Quyết định số 25-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14-NQ/TW của HNTW5 (khóa X) và Chương trình Hành động số 15-CTr/TU ngày 17-10-2007 của Tỉnh ủy “về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; các hướng dẫn, quy định, quy chế liên quan nhiệm vụ giám sát để xây dựng chương trình giám sát phù hợp, hiệu quả. Triển khai, quán triệt thực hiện tốt quy chế giám sát, quy chế chất vấn trong Đảng; các quy định, hướng dẫn về công tác giám sát trong Đảng.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám sát ở các ngành, các cấp, nhất là việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị,..., chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát, xác định đối tượng, phạm vi, thời gian giám sát phù hợp và đúng theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tập trung giám sát các đối tượng là người đứng đầu các cấp ủy, các cơ quan chính quyền, các tổ chức kinh tế - xã hội, nhất là giám sát một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát ngăn ngừa sai phạm của cán bộ, đảng viên trong thi hành công vụ.
Ba là, phát huy vai trò của các ban tham mưu giúp cấp ủy trong công tác giám sát. Chú trọng xây dựng chương trình, nội quy, quy chế, quy định về sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Ủy ban Kiểm tra với các tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá những ưu, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ giám sát cho thời gian tới một cách thiết thực, phù hợp; kiến nghị, đề xuất với cấp trên những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác kiểm tra phải hướng mạnh về cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của ủy ban kiểm tra cơ sở, góp phần tham gia tháo gỡ những vấn đề xã hội bức xúc; chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tại địa bàn cơ sở.
Kỷ niệm là để ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành trong 60 năm qua; làm tốt các nhiệm vụ nêu trên chính là việc làm thiết thực lập thành tích kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống công tác kiểm tra của Đảng. Đó vừa là niềm tự hào, vinh dự, vừa là trách nhiệm của cán bộ kiểm tra và cơ quan kiểm tra các cấp đã tiếp nối truyền thống vẻ vang mà các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ đi trước đã vun đắp, xây dựng ngành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Đảng. Cán bộ kiểm tra nguyện ra sức học tập và rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, kiến thức và năng lực, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác kiểm tra tỉnh nhà trong thời gian tới. Để tô thắm 15 chữ vàng “TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH, ĐOÀN KẾT, TRUNG THỰC, LIÊM KHIẾT, KỶ CƯƠNG VÀ TẬN TỤY” mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã tặng cho ngành kiểm tra nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành.