“Tàu không số” vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu
Mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Đến tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu V nhưng không thành công, do vậy, Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương án mới.
Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy do Trung tá Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng. Lực lượng của đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Cuối năm 1961, đề án công tác của đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua. Đây là mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23-10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân là Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Từ khi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Đoàn 759 đã lập được những chiến công hiển hách, góp phần giúp cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: Giai đoạn 1962 - 1965, với phương châm “Táo bạo - bí mật - bất ngờ” đã vận chuyển chi viện chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ; giai đoạn 1965 - 1972, vượt qua thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn, tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; giai đoạn 1973 - 1975, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá Lê Văn Hùng - Phó bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo đoàn kiểm tra Tỉnh ủy công tác Đảng, công tác chính trị 9 tháng năm 2021. Ảnh: Bùi Linh
Phát huy truyền thống
Là một tỉnh có chiều dài bờ biển trên 65km, Bến Tre được xác định là khu vực có vai trò trọng yếu trong chiến lược biển gắn kết giữ gìn an ninh biên giới biển. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, đồng thời phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, lực lượng vũ trang (LLVT) Bến Tre cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Giữ vững và phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo, triển khai tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Hưởng ứng tốt phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua quyết thắng “Đồng khởi mới” trong LLVT gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào thi đua “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng. Nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Kịp thời định hướng nhận thức và hành động cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn đóng quân về tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp khó lường, dịch Covid-19 hiện nay…
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII), Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Quan tâm chăm lo, giải quyết chính sách hậu phương quân đội. Khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động các nguồn tài trợ để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà tình quân - dân. Thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Phối hợp với công an, biên phòng và các ngành có liên quan làm tốt công tác đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đường Hồ Chí Minh trên biển, trong bối cảnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ biên giới biển đang diễn ra những yêu cầu ngày càng cao đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để tiếp tục vận dụng sáng tạo, giá trị, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển vào điều kiện mới, xây dựng lực lượng dân quân biển và phát triển kinh tế - xã hội cần phải có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và mọi công dân “Đồng khởi mới” hiện nay. |
Đại tá Lê Văn Hùng - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh