 |
Một lớp học tại Trường THPT Chuyên Bến Tre. |
Giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Giáo viên phải có tâm và đủ tầm để giúp học sinh bổ sung kiến thức, rèn luyện và phát huy tài năng. Đây là nhận định của thầy Trần Tấn Minh - Quyền Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Bến Tre.
Những năm qua, Trường THPT
Chuyên Bến Tre luôn chú trọng việc xây dựng đội ngũ giáo viên vừa hồng vừa
chuyên; đặc biệt là đội ngũ giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi
quốc gia. Nhờ đó, hàng năm, trường luôn đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi,
đóng góp cho việc phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Trong kỳ thi quốc gia năm
học 2013-2014, Trường đạt 22 giải - là đơn vị dẫn đầu khu vực đồng bằng sông
Cửu Long.
Thầy Trần Tấn Minh đánh giá: Có
nhiều yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh. 30% do tinh thần và năng
lực học tập của các em, 70% nhờ vào sự tác động của giáo viên trong quá trình
truyền đạt kiến thức. Năm nay, giáo viên bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi
quốc gia là những người từng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, khu
vực, quốc gia. Ngoài những gương mặt ưu tú, gạo cội của trường, Ban bồi dưỡng
mời một số giáo viên có kinh nghiệm ở các trường THPT trên địa bàn TP. Bến Tre
cùng tham gia.
Bên cạnh việc tuyển chọn đội
ngũ giáo viên, Trường THPT Chuyên Bến Tre thực hiện phân chia lớp nhằm phát huy
hiệu quả đào tạo. Theo đó, 60 học sinh nằm trong đội tuyển được chia thành 1
lớp thuộc khối văn hóa và 1 lớp khối tự
nhiên. Buổi sáng, học sinh học chương trình văn hóa bình thường, buổi chiều tổ
chức bồi dưỡng. Mỗi giáo viên đảm nhiệm một chuyên đề theo môn phụ trách. Một
môn học được xây dựng theo nhiều chuyên đề nhằm phát huy vai trò của từng giáo
viên, nâng cao hiệu quả học tập chuyên sâu của học sinh.
Giáo viên phải đầu tư nhiều
công sức, thời gian vào việc soạn đề cương bồi dưỡng. Thời gian trên lớp, giáo
viên không cần bổ túc kiến thức cho từng học sinh, chủ yếu rèn luyện kỹ năng
nhận dạng và hướng giải quyết đề thi. Theo thầy Minh, người biên soạn đề cương
phải tâm huyết, không ngại khó và giàu kinh nghiệm, biết chắt lọc, xác định
kiến thức thường gặp trong đề thi. Đề cương bồi dưỡng phải có nội dung trọng
tâm, không dàn trải kiến thức gây sự khó hiểu cho học sinh. Trong mỗi tiết học,
người thầy phải tạo điểm nhấn để học sinh có thể triển khai theo sự hiểu biết,
không cần phải học thuộc lòng.
Thông qua việc tinh giảm kiến
thức của giáo viên, học sinh có thể thuộc bài ngay khi kết thúc tiết học. Thời
gian còn lại, các em có điều kiện tư duy với những nội dung chuyên sâu. Theo cô
Nguyễn Thị Tuyết Mai - giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm của Trường THPT
Chuyên Bến Tre, cách tổ chức phân lớp để đào tạo là hợp lý, khoa học, không gây
áp lực, tạo mọi điều kiện cho học sinh tư duy phát triển năng khiếu; qua đó,
càng khẳng định vai trò truyền đạt của người thầy.
Kỹ năng thiết kế bài dạy và
kinh nghiệm của giáo viên giúp cho học sinh hứng thú tiếp thu bài giảng. Người
thầy phải hăng say, có đạo đức và ý thức cao việc bồi dưỡng sẽ tạo điều kiện
thuận lợi để học sinh phát triển các tố chất. Em Võ Mai Anh - học sinh lớp 12
chuyên Văn chia sẻ: “Cách bố trí thời gian và tiết học của nhà trường tạo thuận
lợi cho học sinh trong phát triển kỹ năng và sở trường. Bên cạnh tự học qua
sách giáo khoa, chuyên đề chuyên sâu của thầy cô hướng dẫn giúp em phát triển
kiến thức vững hơn, nắm rõ từng thời đại văn học mà không sợ nhầm lẫn. Từ kiến
thức thầy cô truyền đạt, em có cái nhìn toàn diện, mấu chốt trong từng câu
hỏi”.
Theo thầy Nguyễn Văn Quí - giáo
viên môn Toán, Trường THPT Chuyên Bến Tre: Học sinh thông minh, chuyên cần là
điều kiện cần và có. Nhưng đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, bằng cách yêu nghề
truyền lửa cho học sinh là yếu tố đủ để quyết định kết quả đào tạo học sinh
giỏi quốc gia.