
Triển khai xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Hưng Phong được công nhận là xã đảo theo Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ về công nhận xã đảo thuộc tỉnh Bến Tre. Thực hiện Đề án Phát triển bền vững xã Hưng Phong (Cồn Ốc) thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, theo Chủ tịch UBND xã Hưng Phong Võ Hoàng Trung, về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, hiện Dự án cấp nước sạch Hưng Phong - Long Thành (Sơn Phú) đã nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng mạng tuyến ống phân phối cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong với tổng chiều dài 42.414m. Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã là 1.524 hộ, đạt tỷ lệ 100%, trong đó hộ sử dụng nước sạch 725/1.524 hộ, tỷ lệ 47%; xã có 1.327/1.524 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ 87,07%.
Về xử lý chất thải, có 108/108 hộ có công trình, biện pháp xử lý chất thải (hầm, túi biogas; thu gom, ủ phân hữu cơ...) đảm bảo hoạt động hiệu quả. Trong năm, xã tổ chức tuyên truyền nội dung hướng dẫn người dân thực hiện việc phân loại xử lý rác thải tại nguồn với 134 cuộc, có 2.000 lượt người tham dự, thực hiện thông qua lồng ghép trong các cuộc họp tổ nhân dân tự quản, nhóm, chi hội... và thông tin tuyên truyền qua đài truyền thanh từ xã đến ấp.
Kinh tế địa phương tiếp tục giữ vững, nâng cao hiệu quả kinh tế 608ha vườn dừa, hướng đến xây dựng vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị dừa của huyện; kiểm soát bằng biện pháp sinh học để thành vùng không nhiễm sâu, bệnh hại dừa, làm nền tảng cho các mô hình trồng xen, nuôi xen, kết hợp du lịch sinh thái. Cây ăn trái trồng xen trong vườn dừa đạt 88,08ha.
Tổng đàn gia cầm của xã là 24.930/25.000 con, đạt 99,72% so với NQ, tăng 970 con so với cùng kỳ năm 2022; đàn heo 7.048/6.000 con, đạt 117,47% so với NQ, tăng 2.138 con so với cùng kỳ năm 2022; diện tích nuôi trồng thủy sản 245,7ha, trong đó 13,46ha nuôi cá da trơn. Làng nghề đan giỏ cọng dừa có 8 tổ hợp tác hoạt động ổn định. Bên cạnh, xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - du lịch Cồn Ốc Hưng Phong, tổng vốn điều lệ 318 triệu đồng với 59 thành viên.
Dự án “Xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm” đang được triển khai thực hiện với tổng chiều dài 11.108m. Dự án hướng đến mục tiêu ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh, đặc biệt là bảo vệ diện tích sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân trên địa bàn… Công trình còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường vùng dự án, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế của địa phương; chủ động phòng chống lụt bão, nước biển dâng, thích ứng với BĐKH…
Hướng đến phát triển bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án Phát triển bền vững xã Hưng Phong thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi gặp khó khăn do giá cả các sản phẩm đầu vào không ngừng tăng cao, trong khi giá cả đầu ra lại giảm thấp. Việc nhân rộng mô hình xử lý nước thải chăn nuôi (biogas) khó triển khai do địa hình xã đảo của Hưng Phong nước bị nhiễm mặn vào mùa khô. Các cơ sở sản xuất thạch dừa thô, các hộ chủ yếu tận dụng mặt nước mương vườn để làm ao lắng và ao xử lý, hầu hết chưa có thệ thống xử lý đạt chuẩn…
Theo Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân, năm 2024 sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức người dân về Đề án Phát triển bền vững xã Hưng Phong (Cồn Ốc) thích ứng BĐKH giai đoạn 2021 - 2030.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất theo phản ánh của người dân nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; kiểm tra công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cấp xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất than thiêu kết, thu mẫu đánh giá các cơ sở cải tiến mô hình đầu tư mới công nghệ xử lý khói than để đánh giá hiệu quả phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Tiếp tục nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả, chú trọng đến công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đối với hộ gia đình. Định kỳ kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung các tiêu chí liên quan đến đề án, nhất là tiêu chí môi trường…
Đề án Phát triển bền vững xã Hưng Phong (Cồn Ốc) thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu xây dựng xã Hưng Phong trở thành mô hình điển hình phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân địa phương. Theo đề án, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hoàn thành, đưa vào hoạt động hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã; cơ bản hoàn thành dự án đê bao ngăn mặn kết hợp giao thông, chống sạt lở. Ngoài ra, xã có 100% hộ dân thực hiện phân loại, ủ rác tại nguồn; 100% hộ chăn nuôi xử lý chất thải đảm bảo hoạt động hiệu quả, đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường… |
Bài, ảnh: Phương Thảo