Chế biến các sản phẩm từ dừa tại Công ty Betrimex. Ảnh: Cẩm Trúc
Công nghiệp chế biến
Giai đoạn 2016 - 2019, ngành công nghiệp (CN) chế biến, chế tạo luôn chiếm ưu thế so với các ngành CN khác của tỉnh, ước đến năm 2019 chiếm tỷ trọng trên 97%; trong đó nhóm hàng sản xuất, chế biến thủy sản 29%, chế biến dừa 14%, nhóm cơ khí, điện, điện tử chiếm 19,9%, nhóm hàng dệt may, da giày chiếm 21%.
Trong đó, ngành chế biến dừa phát triển khá mạnh. Toàn tỉnh hiện có 72 ngàn héc ta dừa, sản lượng đạt 612 triệu trái/năm, với 138 doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm từ dừa. Đặc biệt những năm gần đây, DN chế biến cơm dừa có sự cải tiến về công nghệ nhằm nâng cao công suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dừa tuy đóng góp chính cho GDP của Bến Tre nhưng đóng góp doanh thu trong lĩnh vực CN chỉ chiếm 15% là rất ít. Hiện nay, chỉ có khoảng 30% sản lượng dừa được chế biến. Nguyên nhân do chất lượng không đồng đều của nguyên liệu, không đáp ứng yêu cầu sản xuất; nông dân sẵn sàng bán nguyên liệu dừa cho trung gian để xuất khẩu với giá cao hơn.
Đối với chế biến thủy sản, thực tế phản ánh chế biến thủy sản của tỉnh so với các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng vẫn còn rất khiêm tốn. Sản lượng thủy sản đạt 55 ngàn tấn/năm, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Xuất khẩu 5 năm ước đạt 497 triệu USD, chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh chưa có nhà máy chế biến tôm xuất khẩu mang lại giá trị cao mà chỉ tập trung vào chế biến cá xuất khẩu. Thủy sản khô chủ yếu hoạt động dưới quy mô hộ gia đình. Đây cũng là lý do tăng trưởng xuất khẩu bình quân ở Bến Tre giai đoạn 2015 - 2018 chỉ đạt 8%. Tỉnh là vùng nuôi có sản lượng trong top đầu cả nước nhưng xuất khẩu thì thấp.
Nhằm đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng của các ngành CN trên địa bàn, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cuộc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá đối với 170 DN trong tổng số 535 DN ngành CN - tiểu thủ CN. Kết quả phân tích đánh giá làm cơ sở quan trọng cho Sở Công Thương đưa ra định hướng tầm nhìn chiến lược phát triển ngành CN trong thời gian tới.
Theo tham vấn tầm nhìn chiến lược của các chuyên gia, giải pháp đề xuất cho ngành dừa là cần có chính sách ưu đãi cho các DN dừa nhằm quảng bá dừa Bến Tre; đảm bảo tính nhất quán về chất lượng đầu ra trên toàn tỉnh, để công ty tự tin hiển thị “Bến Tre” là khu vực đáng tin cậy.
Đột phá năng lượng tái tạo
Về năng lượng tái tạo (NLTT), tỉnh có tiềm năng phát triển NLTT từ năm 2017, cả điện gió và điện mặt trời. Đầu tư cho NLTT phụ thuộc nhiều vào các chính sách từ Trung ương và nằm ngoài tầm kiểm soát của tỉnh. Hiện tỉnh có 11 dự án điện gió được phê duyệt. Mục tiêu đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, tỉnh có 1 dự án NLTT đưa vào vận hành. Năm 2020, có 5 nhà máy điện gió theo quy hoạch hòa lưới điện quốc gia làm tiền đề đẩy nhanh tiến độ các dự án NLTT khác trên địa bàn tỉnh, hình thành nên ngành CN sản xuất năng lượng, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. So với dự án điện gió, các dự án điện mặt trời cũng được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư đang quan tâm đến kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới điện của EVN. Đây cũng là những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của tỉnh.
Thi công nhà máy điện gió tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, dự kiến khởi động vào năm 2020. Ảnh: CTV
Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Khê, với những tiềm năng, lợi thế nêu trên, định hướng 2021 - 2025 và hướng đến năm 2030, ngành xác định các ngành CN chủ lực là sản xuất chế biến (dừa, chế biến thủy sản, dệt may - da giày và CN cơ khí, điện, điện tử), ngành CN NLTT làm mũi nhọn tạo đột phá. Theo đó, ngành tập trung hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm CN; đẩy mạnh phát triển sản xuất CN theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của DN; chú trọng phát triển ngành CN chế biến, liên kết với ngành nông nghiệp khai thác, sử dụng triệt để và có hiệu quả nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp.
Ông Lê Văn Khê cho biết: Để thực hiện mục tiêu định hướng nêu trên, ngành đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản của ngành. Trên lĩnh vực CN, ngành sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm CN; phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cụm CN cho phù hợp với thực tế; tăng cường hỗ trợ DN về khuyến công để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; tiếp tục đầu tư phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm truyền thống, hình thành chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phát huy vai trò của DN trong việc kết nối giữa sản xuất với thị trường, cung cấp thông tin về thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu, nhằm xây dựng tốt mối quan hệ với DN, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
Ngành công thương tiếp tục phối hợp với Điện lực tỉnh đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; theo dõi thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025; rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung các công trình quan trọng, cấp bách vào quy hoạch điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025; bổ sung 3 trạm 220kV tại 3 huyện biển: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2025 có kế hoạch xây dựng trạm 500kV. Theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư điện đẩy nhanh tiến độ các dự án NLTT; phối hợp triển khai lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; triển khai các nội dung thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh giai đoạn 2019 - 2030. |
Cẩm Trúc