Phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao

08/12/2023 - 16:43

BDK.VN - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nằm trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh.

Chăn nuôi bò tương đối ổn định với tổng đàn trên 240.000 con. Ảnh: Thanh Ngân

Chăn nuôi bò tương đối ổn định với tổng đàn trên 240 ngàn con. Ảnh: Thanh Ngân

Theo đó, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu tại huyện Châu Thành; đến năm 2050, nông nghiệp Bến Tre phát triển theo hướng hiện đại; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt các tiêu chuẩn trong nước và thế giới, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất. Nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa.

Về trồng trọt, ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy suất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và nông nghiệp hữu cơ, phát triển các sản phẩm chủ lực như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và măng cụt ở huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành.. xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung với quy mô diện tích đạt 20.000 - 22.000ha.

Về chăn nuôi, tập trung phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có điều kiện và khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như: bò thịt, heo, gia cầm… Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giống và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi. Tổ chức chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, tổ chức lại hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, có kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Về thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; chuyển từ nuôi thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, truy suất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đồng thời, tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị đánh bắt, chế biến, bảo quản trên tàu nhằm tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển, chế biến thủy sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Về lâm nghiệp, tiếp tục bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, phát triển tỷ lệ che phủ rừng góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao năng suất và chất lượng rừng. Giai đoạn 2021 - 2025, chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng đặc dụng sang đất rừng phòng hộ, đến năm 2030 trồng mới và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh thêm 542ha, chăm sóc và bảo vệ rừng 4.900ha, trồng cây phân tán 500 ngàn cây, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 2,1%.

Bên cạnh đó, kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL của tỉnh còn đưa ra hai nhiệm vụ trọng tâm về phát triển khu vực đô thị, công nghiệp động lực và xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn. Trong đó, tập trung phát triển khu vực kinh tế biển Bến Tre trở thành trung tâm động lực tăng trưởng mới của tỉnh, phát triển ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Phát triển đô thị hiện đại, thông minh, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân, phát triển kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, xây dựng Bến Tre là “nơi đáng sống, là thành phố trong vườn”.

Để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực phối hợp thực hiện. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra, thực hiện tốt Kế hoạch, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của Quy hoạch vùng đã đề ra.

Thanh Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN