Phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới

16/09/2024 - 13:47

BDK.VN - Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm việc chăm lo giải quyết, cải thiện nhà ở cho người dân; xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng việc giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp.

Khu nhà ở Sơn Đông, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre.

Tình hình phát triển nhà xã hội

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 449 căn hộ ở xã hội, với tổng diện tích sàn xây dựng 19.924m2, tại Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Gò Đàng (giai đoạn 2), xã Phú Hưng, TP. Bến Tre; Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành và có 240 căn hộ ở xã hội, với tổng diện tích sàn xây dựng 24.194m2 đang thi công xây dựng tại Khu nhà ở Sơn Đông, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre.

Các đối tượng là hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội còn một số hạn chế như: Mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 không đạt. Ngân sách của tỉnh để đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu bằng nguồn vốn tư nhân nên khó chủ động trong triển khai thực hiện dự án. Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội. Quy định pháp luật về nhà ở xã hội chưa hoàn thiện, chưa phù hợp và thiếu tính ổn định để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào quá trình phát triển và xây dựng nhà ở xã hội. Cơ chế chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thật sự hấp dẫn.

Mặt khác, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn mất nhiều thời gian trong thực hiện quy trình miễn giảm tiền sử dụng đất, xác định giá bán, giá cho thuê và xét duyệt đối tượng được mua. Tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị mới trên địa bàn tỉnh dự kiến triển khai có dành quỹ đất 20% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội hiện nay còn khá chậm.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Trong Chương trình thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24-5-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới của Tỉnh ủy do Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến ký mới đây, xác định nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới là: Tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về tính chất, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội. Xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khu nhà ở Sơn Đông, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre.

Cụ thể hóa các văn bản quy định thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập, hoặc trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị tại các vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu. Ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.

Phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng. Tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê. Chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất ở cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương. Kết hợp linh hoạt giữa các chính sách hỗ trợ của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội, nhất là về cơ chế tài chính, sử dụng nguồn lực, đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị, quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách thuế, quản lý khu công nghiệp. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Trung ương giao và bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo quy định. Tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong phát triển nhà ở xã hội, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đúng mục đích.

Phấn đấu đến năm 2025, hoàn  thành chính  sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo ở tại khu vực nông thôn khó khăn. Xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN