Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu

02/04/2023 - 05:24

BDK.VN - Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 330/QĐ-TTg ngày 31-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh Ánh Nguyệt

Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh Ánh Nguyệt

Theo quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích 35,2ha, gồm: Toàn bộ khu vực di tích được xác định trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung cải tạo và mở rộng thị trấn Ba Tri đã được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt; khu vực nhà ở cũ của gia đình tại trung tâm thị trấn Ba Tri, nơi Nguyễn Đình Chiểu sinh sống, làm thuốc, sáng tác thơ văn, viết sách thuốc và dạy học; các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tại huyện Ba Tri, gồm: chùa Long Phước, công viên thị trấn Ba Tri, chợ Ba Tri, chùa, nhà thờ Ba Tri, Thánh thất Cao Đài, thất thủ Võ Miếu...; trên tuyến du lịch văn hóa tâm linh.

Quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 4,2ha, bao gồm: Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức theo quy hoạch chung cải tạo và mở rộng thị trấn Ba Tri, có ranh giới được xác định như sau:  phía Bắc giáp đường nội bộ quy hoạch với khu vực công viên cây xanh và một  số hộ dân; phía Nam giáp đường Huỳnh Văn Anh dẫn vào trung tâm thị trấn Ba Tri; phía Đông giáp đường nội bộ quy hoạch với khu dân cư mật độ thấp và phía Tây giáp đường Huỳnh Văn Anh (mở rộng). Khu vực nhà ở cũ của gia đình Nguyễn Đình Chiểu tại thị trấn Ba Tri, có ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc, phía Nam và phía Tây giáp khu vực dân cư (Khu phố 2) và phía Đông giáp đường Nguyễn Đình Chiểu.

Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; yêu cầu nghiên cứu, khảo sát khu vực lập quy hoạch; đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích: nhận diện các yếu tố cấu thành di tích; giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị tư liệu - giáo dục, giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái.... Đánh giá khả năng khai thác, phát huy giá trị di tích. Quan điểm, mục tiêu của quy hoạch di tích. Các chỉ tiêu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của  địa phương. Đánh giá phát triển du lịch toàn khu vực, hiệu quả hoạt động du lịch và các hoạt động văn hóa, du lịch về nguồn khác tại di tích; xác định tiềm năng phát triển du lịch của địa phương và của di tích.

Đồng thời, đề xuất định hướng: bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và  xây dựng công trình mới (tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan;  các chỉ tiêu về sử dụng đất, chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng); cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực lập quy hoạch; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch địa phương; xây dựng công trình mới, kiểu dáng, hình thức, vật liệu sử dụng...; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; kế hoạch thực hiện quy hoạch di tích…

Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng, kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bến Tre bố trí nguồn vốn, phê duyệt  dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập  quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt quy hoạch theo quy định của pháp luật.

N. Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN