Phần diện tích xây dựng bệnh viện vốn ODA đã được giải tỏa hơn 1 năm. Ảnh: Phan Hân
Một số dự án còn vướng
Bên cạnh những DA đang triển khai cơ bản đúng tiến độ, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có không ít DA gặp vướng về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn. DA Chỉnh trang khu đô thị dọc sông Bến Tre do Công ty cổ phần đầu tư Tây Bắc đầu tư là 1 trong 10 DA đô thị đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đến nay, DA đã được quy hoạch 1/500, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt; đang công bố giá đất đền bù. Tuy nhiên, chưa triển khai được do bị vướng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
DA Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận, huyện Bình Đại là DA đầu tư từ ngân sách. Quy mô đầu tư 231,78ha. Tổng mức đầu tư trên 2,1 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương trên 1,9 ngàn tỷ đồng, các nhà đầu tư khác là 139 tỷ đồng thực hiện đầu tư các hạng mục thông tin liên lạc, cấp nước, trạm hạ áp cung cấp điện. Theo đánh giá báo cáo tiến độ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, DA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1489 ngày 4-10-2017; UBND tỉnh có Quyết định số 1025 ngày 16-5-2019 phê duyệt DA Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Kế hoạch vốn năm 2018 là 193 tỷ đồng, đã giải ngân 896 triệu đồng, đạt 0,46%. Kế hoạch vốn năm 2019 được phân bổ 85,406 tỷ đồng, chưa thực hiện giải ngân.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sẽ phối hợp với chủ đầu tư cung cấp hồ sơ liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để phục vụ công tác vận động khi có yêu cầu, phối hợp với Tổ vận động tập trung tuyên truyền trong nhân dân về quy mô dự án, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện theo quy chế dân chủ trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh. Dự kiến chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân giai đoạn 1 vào thời điểm cuối năm 2019 đến đầu năm 2020.
Hay với DA Bệnh viện đa khoa tỉnh Bến Tre (vốn ODA Hàn Quốc), có quy mô 500 giường bệnh. Tổng mức đầu tư 1.658 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc 1.331 tỷ đồng và vốn đối ứng 326,7 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và tái định cư. Đã lựa chọn nhà thầu gói thầu Tư vấn quản lý DA. Gói thầu Tư vấn nước ngoài (tư vấn thiết kế chi tiết, tư vấn thiết bị và giám sát thi công); đánh giá xong bước tài chính, đang gửi Ngân hàng Eximbank lấy ý kiến. Hiện nay, DA chưa được bố trí vốn từ nguồn vốn vay. Hướng tới, sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Tư vấn nước ngoài, triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, phối hợp với đơn vị tài trợ giải quyết về điều chỉnh thời gian có hiệu lực của hiệp định vay.
Định hướng, giải pháp
Ông Nguyễn Trúc Sơn - Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú cho rằng, về đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, vấn đề khó nhất không phải là về vốn mà là khâu triển khai. Khâu triển khai liên quan đến 2 việc: sự phối hợp giữa các ngành trong giải quyết hồ sơ, mất rất nhiều thời gian; thứ hai là về mặt bằng, hiện huyện còn nhiều DA đến nay chưa làm được. Tổng mức đầu tư được giao nếu thực hiện vào việc bồi thường hết thì không còn tiền xây dựng. Tới đây, tỉnh cần xem việc bố trí vốn liên quan đến giải phóng mặt bằng, đánh giá hết sức thực tế để có sự đồng thuận cao, nhanh.
“51 dự án trong 6 tháng đầu năm 2019 chưa giải ngân được cho thấy trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu, sự phối hợp của từng ngành, từng cấp chưa cao”, ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định. Theo ông Nguyễn Văn Chinh, có nguyên nhân do công tác phối hợp chậm trễ trong triển khai DA, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng. Với trách nhiệm của ngành tham gia tích cực trong công tác này, ông Chinh phân tích thêm, mặc dù sự phối hợp có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm trễ ở một số dự án. Liên quan đến các cơ chế chính sách, tài chính, đấu thầu… phải tuân thủ, đảm bảo tính chặt chẽ. Khi qua mỗi công đoạn, từng cấp, việc chuẩn bị hồ sơ của từng cấp, từng ngành chưa chặt chẽ, dẫn đến phải bổ sung.
Mặt khác, còn có sự quá tải trong từng ngành, từng cấp, từng đơn vị, thêm vào đó có sự đùn đẩy trách nhiệm trong công tác phối hợp. Để cơ chế thực hiện tốt, hiện nay quy định của tỉnh, người đứng đầu, người chủ dự án đầu tư phải thường xuyên quán xuyến, đôn đốc. Khi thực hiện, từng DA có vướng mắc thì phải kịp thời báo cáo, tham mưu giải quyết. Vấn đề này đặt ra sự quan tâm tuyên truyền, phối hợp giữa các ngành.
Ông Đoàn Viết Hồng - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết liên quan đến KCN Phú Thuận: Nếu thuận lợi, qua đầu năm 2020 mới bắt đầu chi tiền bồi thường. Dự kiến tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, trong đó đền bù 50%. “Theo hướng xã hội hóa, cái gì tư nhân đầu tư được, hỗ trợ được để giảm bớt ngân sách thì nên làm”, ông Hồng nêu một giải pháp.
Cẩm Trúc