Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, bài 6

Phối hợp giữa “nhà trường - gia đình - xã hội”

30/12/2022 - 05:35

BDK - Tham luận với chủ đề “Sự liên kết giữa nhà trường - gia đình (GD) - xã hội trong giáo dục truyền thống văn hóa GĐ, kỹ năng sống cho học sinh hiện nay” của Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày tại buổi Tọa đàm “Xây dựng GĐ hạnh phúc, tiến bộ làm tiền đề xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện” đã dặt ra cho bậc làm cha mẹ nhiều vấn đề suy ngẫm. Đồng thời, tham luận còn khẳng định sự cần thiết của công tác phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trương: GĐ, nhà trường và xã hội.

Phối hợp ba môi trường: nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trẻ em. Ảnh: Phạm Tuyết

Phối hợp ba môi trường: nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trẻ em. Ảnh: Phạm Tuyết

Vô tình hình thành lối sống hưởng thụ

Vấn đề cần khẳng định, hành vi đầu đời của trẻ em có dấu ấn sâu sắc của GĐ. Trẻ em có hành vi tốt hay xấu trước hết và chủ yếu là do môi trường giáo dục của GĐ tạo nên.

Khi xã hội phát triển, nhiều GĐ có mức sống cao, là điều kiện tốt để giáo dục con cái trưởng thành. Thực tế, không ít GĐ khi có nhiều tiền, đã chiều theo ý con, sẵn sàng thỏa mãn mọi nhu cầu của con. Điều này đã vô tình hình thành lối sống hưởng thụ quá sớm ở con cái. Cũng có những GĐ điều kiện kinh tế không mấy khá giả, nhưng cha mẹ lại có tâm lý muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con, không muốn để con biết những khó khăn vất vả của cha mẹ. Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ vì mải mê làm kinh tế mà không dành thời gian cho con. Do đó, nhiều trẻ đã sử dụng các trò chơi vô bổ, gặp gỡ, giao tiếp với thế giới ảo để lấp đầy khoảng trống tinh thần mà không hề biết rằng hiểm họa đang rình rập, những thói hư tật xấu rất dễ xâm nhiễm vào tâm hồn trẻ thơ, biến các em thành những đứa trẻ hư hỏng ngay từ nền tảng GĐ.

Để nuôi dưỡng được một đứa trẻ trở thành người có nhân cách, giữ được truyền thống văn hóa GĐ, chúng ta hay nói đến vai trò của GĐ, nhà trường và xã hội. Nhưng rõ ràng, cái nôi GĐ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục truyền thống văn hóa GĐ và nhân cách cho trẻ.

Ngay từ những năm đầu đời, cha mẹ hãy luôn quan tâm và giáo dục con cái đến nơi, đến chốn. Cha mẹ luôn thể hiện sự tôn trọng, hiểu con và ngược lại tạo điều kiện cho con hiểu cha mẹ. Lắng nghe ý kiến và cho phép con tham gia phát biểu ý kiến với tư cách là thành viên, là người bạn trong GĐ. Do đó, phương pháp giáo dục quan trọng nhất là việc định hướng giá trị nhân cách, luôn gần gũi, động viên, lắng nghe tâm tư tình cảm, giúp các em tự chủ, nỗ lực vượt khó, có tính độc lập, không ỷ lại vào cha mẹ và người khác. Cha mẹ nên thể hiện sự công bằng, yêu thương các con như nhau, biết phát huy, khuyến khích kịp thời những ưu điểm của các con. Đồng thời, cha mẹ tìm cách sửa dần những khuyết điểm, hạn chế của con.

Trong GĐ, cha mẹ không ngừng rèn luyện, tu dưỡng mình là phương pháp tốt nhất để nêu gương cho con về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của con để con noi theo và học tập. Với trẻ ở tuổi vị thành niên, sự thông cảm, gần gũi, chia sẻ, lắng nghe, tôn trọng... của cha mẹ là yếu tố quan trọng giúp các em phát triển, bước đầu hình thành nên những quy tắc đạo đức để có những ứng xử chuẩn mực sau này. Cùng với sự vào cuộc tích cực của nhà trường và xã hội, nền tảng cuộc sống GĐ sẽ giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện.

Phối hợp 3 môi trường

Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục GĐ và giáo dục xã hội. Chỉ riêng nhà trường, chỉ riêng ngành giáo dục thì không thể làm tốt công tác giáo dục toàn diện được.

Hiện nay, công tác phối hợp của ba môi trường giáo dục trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được sức mạnh tổng hợp và huy động được tất cả các nguồn lực xã hội tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa ba môi trường: nhà trường, GĐ và xã hội trong giáo dục toàn diện học sinh, ta cần phải thống nhất quan điểm, nêu rõ trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ như sau:

Nhà trường là quản lý tổ chức giảng dạy và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục nhằm rèn luyện và hình thành cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, năng lực thực tiễn. Tăng cường các giải pháp quản lý, tư vấn, giáo dục học sinh. Nâng cao trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, phát hiện những mâu thuẫn trong học sinh để kịp thời tư vấn, chia sẻ; phối hợp chặt chẽ với GĐ trong công tác quản lý, giáo dục, nhất là đối với những học sinh cá biệt, chưa ngoan, học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt... Tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí tại địa phương.

GĐ nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của trường. Không để con em bỏ học; không phó mặc con em mình cho nhà trường. Quản lý, giám sát lịch trình học tập, vui chơi, giải trí, sinh hoạt của con em mình ngoài nhà trường. Nắm vững diễn biến tư tưởng, đạo đức, học lực của con em. Cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo. Người lớn phải là tấm gương trong giao tiếp, ứng xử; loại bỏ bạo lực GĐ.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện lối sống văn hóa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức, bạo lực diễn ra ngoài xã hội. Tăng cường quản lý, giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn. Đặc biệt, các đối tượng bỏ học, chưa có việc làm ổn định lôi kéo học sinh vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Quản lý tốt các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa như các tụ điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ Internet, văn hóa phẩm. Các đoàn thể, tổ chức xã hội vận động người dân tham gia xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tạo môi trường lành mạnh, an toàn. Ngăn chặn những tác động có ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Quốc Đệ (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN