Phòng chống ma túy xâm nhập học đường

07/11/2018 - 08:18

BDK - Thời gian gần đây, tệ nạn ma túy (TNMT) đã và đang len lỏi vào học đường trên địa bàn tỉnh. Học sinh, sinh viên (HSSV) trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy (MT). Để phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn này, các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công an tỉnh tuyên truyền phòng chống ma túy ở trường học.

Công an tỉnh tuyên truyền phòng chống ma túy ở trường học.

Đưa nội dung phòng chống TNMT vào học đường

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT, Công an tỉnh, tại tỉnh, số người nghiện và sử dụng MT ở lứa tuổi thanh, thiếu niên chiếm hơn 70% tổng số người nghiện và sử dụng MT. Do vậy, học sinh, sinh viên (HSSV) cũng nằm trong nhóm tuổi dễ bị lôi kéo vào TNMT. Bọn tội phạm MT thường nhắm vào các em HSSV thích ăn chơi, đua đòi, thích tụ tập với các phần tử xấu, để rủ rê, lôi kéo. Đối với một số HSSV khi đến với MT đầu tiên chỉ là sự tò mò “thử một lần cho biết” để thể hiện bản thân, sau đó dẫn đến nghiện MT lúc nào không hay. Một khi sa chân vào MT thì sẽ để lại hệ lụy vô cùng to lớn, MT sẽ tàn phá sức khỏe, hủy hoại tương lai của tuổi trẻ.

Thực tế cho thấy, khi các em HSSV chưa có những hiểu biết đầy đủ về MT sẽ dẫn đến tình trạng chung đó là thiếu ý thức đề phòng, nhất là với những loại MT mới xuất hiện gần đây như: tem giấy, cỏ Mỹ, bóng cười... Phần lớn HSSV không có nhiều kỹ năng xử lý những tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng trái phép chất MT, do đó dễ trở thành nạn nhân của MT. Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục cho HSSV có được kiến thức và kỹ năng nhận biết và phòng chống các loại chất MT là vấn đề hết sức cần thiết.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống MT học đường; thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục về tác hại của MT, hướng dẫn cách phòng chống TNMT đến với HSSV các trường, phối hợp với chính quyền, công an cơ sở nơi có trường học tiến hành gặp gỡ, giáo dục cá biệt đối với số học sinh có nguy cơ sử dụng MT, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh làm trong sạch địa bàn xung quanh trường học, không để đối tượng xấu dụ dỗ các em học sinh sử dụng trái phép chất MT.

Có mặt tại Trường THCS An Hòa Tây, huyện Ba Tri trong một buổi tuyên truyền phòng chống MT xâm nhập học đường do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT, Công an tỉnh tổ chức, chúng tôi nhận thấy các em học sinh rất quan tâm đến những nội dung được truyền đạt. Em Nguyễn Thị Kim Oanh, học sinh lớp 9/3, cho biết: “Thông qua buổi tuyên truyền em được hiểu thêm tác hại cũng như cách phòng chống MT, để tự bảo vệ bản thân mình và nhắc nhở bạn bè, người thân tránh xa MT”. Cô Nguyễn Thị Gái - Hiệu trưởng trường cho biết: “Thời gian qua, nhà trường đã kết hợp nội dung phòng chống TNMT vào môn giáo dục công dân, tuyên truyền trong tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động đội. Đồng thời, thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin với gia đình học sinh thông qua các cuộc họp phụ huynh và sổ liên lạc; tổ chức cho học sinh ký cam kết không tham gia TNMT”.

Trong năm qua, lực lượng công an và các trường đã phối hợp đẩy mạnh công tác phòng chống MT trong các ký túc xá; rà soát, phân loại đối tượng HSSV có liên quan đến TNMT để áp dụng các biện pháp phòng chống có hiệu quả. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mà số HSSV sử dụng MT giảm đáng kể so với những năm trước đó. Trong năm 2017 phát hiện 9 học sinh sử dụng MT, năm 2018 chỉ phát hiện 2 học sinh, giảm 7 trường hợp so với cùng kỳ.

Gia đình là pháo đài vững chắc

Để tiếp tục ngăn chặn MT xâm nhập học đường trong thời gian tới, Thượng tá Lê Văn Minh - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT, Công an tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống MT trong nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với lực lượng công an cơ sở thường xuyên kiểm tra, làm trong sạch môi trường trong và ngoài trường học, không để các đối tượng xấu lợi dụng tổ chức sử dụng MT hoặc rủ rê, lôi kéo HSSV. Khi phát hiện HSSV sử dụng MT sẽ phối hợp với chính quyền, gia đình, nhà trường để kịp thời xử lý và tổ chức cai nghiện để các em sớm từ bỏ MT trở lại học tập”.

Để công tác giáo dục phòng chống MT trong nhà trường đạt kết quả tốt phải có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó gia đình và nhà trường giữ vai trò chủ đạo. Mỗi gia đình phải là một pháo đài vững chắc cho con em mình, người lớn trong gia đình phải làm tấm gương cho con cháu noi theo; tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; quản lý, giám sát lịch trình học tập, vui chơi của con em mình ngoài nhà trường; chủ động thông báo cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm những vấn đề không bình thường của con em mình để có biện pháp phối hợp giáo dục tốt nhất.

Bài, ảnh: Nguyễn Đăng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN