Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2023 - 2024

16/09/2023 - 10:17

BDK.VN - Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024, với xác suất trong khoảng từ 80 - 90%. Từ tháng 10 đến 12-2023, có khoảng 3-5 cơn bão và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ, đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Nắm bắt độ mặn trên các sông để thông tin, cảnh báo người dân trong lấy nưới phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Trần Quốc.

Nắm bắt độ mặn trên các sông để thông tin, cảnh báo người dân trong lấy nước phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Trần Quốc.

Mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm (khoảng vào nữa cuối tháng 10-2023). Lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình tại các khu vực cao hơn. Tình hình triều cường lên nhanh từ đầu tháng 9, đỉnh triều cao nhất xuất hiện trong cuối tháng 10, đầu tháng 11-2023, một số trạm đạt mức cao xấp xỉ đỉnh triều lịch sử.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024, có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019 - 2020. Các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gồm: 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; khu vực ven sông và các cồn trên sông thuộc các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, các biện pháp phòng chống thiên tai cần quan tâm là: Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp địa phương theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng, chống, ứng phó với thiên tai theo quy định, phù hợp với nhận định tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Duy trì, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, kịp thời huy động lực lượng khi có tình huống đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó triều cường; các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa, bão hàng năm.

Các ngành có liên quan và địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở. Vận động các hộ dân có nhà ở nằm trong khu vực đã, đang hoặc có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn. Thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để gia cố tạm thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Tuyên truyền, phát động nhân  dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023. Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước trong thời gian tới. Thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao trữ nước phân tán theo quy mô hộ, nhóm hộ gia đình, bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Rà soát diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng vùng trồng để xây dựng giải pháp ứng phó phù  hợp; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024. Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai….

Tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, cấp nước, nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hàng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, lập danh mục các công trình bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn (nếu có) để kịp thời xử lý, không để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình. Tăng cường công tác quản lý đê điều; đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, bờ bao và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều…

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN