Phong trào Đồng khởi - nơi tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam (kỳ 2)

25/12/2019 - 09:17

Cuối năm 1959, đầu những năm 1960, phong trào Đồng khởi lan rộng ở nhiều tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh khu 5, tạo thành một vùng căn cứ rộng lớn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cuối năm 1959, đầu những năm 1960, phong trào Đồng khởi lan rộng ở nhiều tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh khu 5, tạo thành một vùng căn cứ rộng lớn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đặc biệt, sự ra đời, phát triển rộng khắp của “Đội quân tóc dài” là một sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. “Đội quân tóc dài” lên đến hàng vạn người, được tổ chức thành nhiều bộ phận, hỗ trợ, phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Tuy không có tấc sắt trong tay, nhưng “Đội quân tóc dài” có sức mạnh phi thường, triển khai hiệu quả cả ba mũi giáp công chính trị, binh vận và vũ trang; đấu tranh phá “ấp chiến lược”, chống hành quân càn quét, chống dồn dân, bắt lính của chính quyền Sài Gòn. “Đây là một binh chủng đặc biệt trong đấu tranh chính trị với địch, một sáng tạo độc đáo của đồng bào miền nam trong thời kỳ chống Mỹ” (2). “Đội quân tóc dài” là biểu tượng sinh động của truyền thống toàn dân đánh giặc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc ta.

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã khẳng định sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sức mạnh toàn dân đánh giặc, sức mạnh vật chất và tinh thần, cả thế, lực và thời cơ, cả lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng... đã được kết tinh, tỏa sáng, phát huy lên tầm cao mới. Đó còn là thắng lợi của đức hy sinh, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, năng lực vận động, tổ chức, sử dụng lực lượng của các cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không nắm vững quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, không biết dựa vào dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do của nhân dân, thì không thể lãnh đạo, chỉ đạo một phong trào Đồng khởi thành công lớn như vậy.

Đồng khởi thắng lợi đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền nam: từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công liên tục, từ thế đấu tranh chính trị là chủ yếu chuyển sang đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa của quần chúng kết hợp với chiến tranh cách mạng, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ không thể cứu vãn nổi của chế độ thực dân mới ở miền Nam. Đồng khởi đã tạo nên một vùng giải phóng rộng lớn, hình thành hệ thống căn cứ địa cách mạng làm hậu phương tại chỗ cho cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài. Đặc biệt, từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam ra đời, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng và là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Ngày nay, hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp, thay đổi nhanh chóng và khó dự báo. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt; thế và lực của đất nước không ngừng nâng lên, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đã và đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Kế thừa truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, phát huy tinh thần Đồng khởi, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Nhờ có chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và xu thế vận động, phát triển của thời đại, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia... đã được Bộ Chính trị thông qua; các luật, bộ luật, nghị quyết và chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, quân sự, quốc phòng, an ninh… đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành.

Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chủ động đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...

Cùng với các nhiệm vụ trên, phải tuyên truyền, quán triệt cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm, sức mạnh và phương thức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng trong tình hình mới. Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thị Kim Ngân

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam


(2) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 185.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN