Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”

28/09/2022 - 10:53

BDK - Ngày 18-8-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5197 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua (PTTĐ) “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Người dân Cồn Đất, xã An Hiệp, huyện Ba Tri còn nhiều khó khăn do giao thông cách trở.

Người dân Cồn Đất, xã An Hiệp, huyện Ba Tri còn nhiều khó khăn do giao thông cách trở.

Huy động nguồn lực toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng PTTĐ, khơi dậy ý thức tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Tổ chức PTTĐ thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh người nghèo. Hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo. Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%/năm. Phấn đấu 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững. Xác định công tác giảm nghèo góp phần quan trọng, tạo động lực cho phát triển bền vững của tỉnh. Phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Huy động nguồn lực toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Việc tổ chức thực hiện PTTĐ phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các phong trào của các cơ quan, đơn vị, địa phương giai đoạn 2021 - 2025. PTTĐ được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, huy động sự tham gia tích cực của các hộ gia đình. Phát huy tinh thần năng động, sáng kiến, sáng tạo của nhân dân. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình mới, cách làm sáng tạo trong thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện PTTĐ.

Nội dung, giải pháp thực hiện phong trào thi đua

Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả PTTĐ. Tập trung vào các hoạt động thực tiễn, phát huy sáng kiến, sáng tạo, đổi mới trong việc đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, phối hợp thực hiện tốt chính sách hỗ trợ có điều kiện, tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo. Thi đua đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và góp phần giảm nghèo. Công chức làm công tác giảm nghèo thi đua tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, thi đua đồng hành cùng người nghèo, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Huy động các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh, ngoài nước có những việc làm thiết thực, tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn.

UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thi đua đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho từng xã nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu. Gắn PTTĐ “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương tập trung thi đua đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những xã khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các xã thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với người dân ở các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, xã đảo.

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Vì người nghèo”, nhất là trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” hàng năm. Hướng dẫn, giám sát việc bình xét thi đua, khen thưởng trong thực hiện phong trào của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Huyền Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN