Đường Huỳnh Tấn Phát ở Phú Hưng nối TP. Bến Tre với 3 huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại.
Hoàn thiện hạ tầng
Xã Phú Hưng hiện có 6 ấp, tốc độ đô thị khá nhanh. Nhiều căn nhà kiên cố mọc lên, thu hút một lượng dân cư đến sinh sống. Năm 2015, khi tỉnh đưa vào sử dụng đường Huỳnh Tấn Phát (từ cảng Giao Long đến Nguyễn Thị Định) ngang qua xã Phú Hưng đã rút ngắn khoảng cách từ TP. Bến Tre đi Khu công nghiệp Giao Long và về huyện Giồng Trôm, Bình Đại; mở ra cơ hội giao thương hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ cho người dân trong xã.
Tháng 8-2019, Phú Hưng được công nhận xã nông thôn mới. Thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới đưa Phú Hưng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập người dân. Xã tiếp tục phát triển mạnh về quy mô, chất lượng các ngành như may mặc, chế biến sản phẩm từ dừa (hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm từ dừa, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, than thiêu kết). Hiện Cụm công nghiệp Phú Hưng, với tổng diện tích 40ha đã được đo đạc, kiểm đếm. Thu nhập của người dân ngày càng tăng nhờ thực hiện chủ trương chuyển đổi, cải tạo đất trồng lúa (62/73ha đất lúa đã được chuyển đổi) sang trồng dừa, bưởi, rau màu, chăn nuôi phù hợp với điều kiện phát triển đô thị.
Trong 5 năm gần đây, lãnh đạo xã Phú Hưng đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng 25/10 công trình cầu, đường với tổng chiều dài hơn 4,8km, lắp đặt 7 hệ thống chiếu sáng công cộng. Hiện 100% các tuyến đường trên địa bàn xã đã được bê-tông hoặc nhựa hóa, có hệ thống chiếu sáng công cộng.
“Đô thị hóa diễn ra nhanh, nhất là xây dựng nhà cửa, đem lại vẻ khang trang, mỹ quan cho xã. Nhiều hộ xây dựng nhà mới là người từ địa phương khác đến làm ăn, sinh sống. Các kho xưởng, cơ sở, doanh nghiệp cũng được xây dựng kiên cố, mở rộng trên địa bàn”, bà Trần Thị Kim Nguyên - Chủ tịch UBND xã Phú Hưng cho biết.
Xây dựng đô thị văn minh
Cùng với sự phát triển nhanh về hạ tầng, khu dân cư, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp đô thị, Phú Hưng cũng đối mặt với nhiều vấn đề về phát triển đô thị như: xây dựng nhà chưa đúng mục đích sử dụng đất, xây dựng không phép, sai phép; xe ô tô đậu đỗ ở lòng, lề đường để lên xuống hàng hóa. “Cùng với toàn thành phố xây dựng thành phố văn minh đô thị, Phú Hưng đang từng bước vận động người dân thực hiện đúng trật tự đô thị, tuân thủ bảng chỉ giới xây dựng, sử dụng đất đúng mục đích”, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Trần Thị Kim Nguyên chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Trãi - Bí thư kiêm Trưởng ấp Phú Thành cho hay, Phú Thành giờ đây đã mang dáng dấp đô thị. Ấp không còn đất lúa. Nhà cửa, kho xưởng mọc lên nhanh, chỉ còn một ít đất trồng cây ăn trái và chăn nuôi nhỏ lẻ. Hai vấn đề quan tâm trong xây dựng văn minh đô thị tại ấp là vẫn tồn tại bãi rác cũ còn gây ô nhiễm; tại ấp có nghĩa địa thành phố đang được mở rộng và một nghĩa địa người Hoa. Nhiều người đưa người thân về nơi an nghỉ cuối cùng tới ấp Phú Thành vẫn còn rải vàng mã khắp trên đường. “Người dân quan tâm thực hiện đúng nếp sống văn minh, không rải vàng mã khắp nơi trên đường. Bởi ấp rất vất vả trong việc giữ gìn vệ sinh đô thị nếu người dân thiếu ý thức”, Trưởng ấp Huỳnh Văn Trãi nói.
“Các công trình kết cấu hạ tầng được tỉnh, thành phố và địa phương đầu tư thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở Phú Hưng. Chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nâng lên làm tiền đề xây dựng thành công xã nông thôn mới gắn với xây dựng văn minh đô thị. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Phú Hưng Phạm Công Tống đánh giá.
Bài, ảnh: T. Thảo