Phú Lễ thực hiện thí điểm dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải

21/06/2024 - 07:22

BDK - Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” (gọi tắt Dự án) do Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation xây dựng và triển khai thực hiện trong 4 năm (2021 - 2024), tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Bến Tre. Một trong những địa phương tiên phong thực hiện thí điểm dự án này tại tỉnh là xã Phú Lễ (Ba Tri).

Mô hình nuôi trùn quế và ủ phân hữu cơ tại nhà ông Phan Văn Đàng, ấp Phú Khương, xã Phú Lễ (Ba Tri).

HND xã Phú Lễ đăng ký thực hiện 4 hợp phần (bao gồm lên men phụ phẩm thức ăn gia súc; ủ phân hữu cơ; nuôi trùn quế và nuôi sâu canxi) và nhận được sự đồng thuận tham gia của rất nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn.

Chủ tịch HND xã Phú Lễ Bùi Văn Việt cho biết: “Các mô hình này không chỉ hỗ trợ cho người dân tiêu hủy nhanh lượng chất thải trong quá trình chăn nuôi, cung cấp nguồn phân bón dồi dào cho cây trồng, hoa màu, tiết kiệm chi phí mà còn giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu đáng kể lượng khí thải nhà kính”.

Hộ ông Phạm Văn An, ngụ tại ấp Phú Khương, là một trong những hộ dân thực hiện thí điểm mô hình nuôi sâu canxi và bước đầu mang lại hiệu quả. Ông An chia sẻ: “Thức ăn của sâu canxi chủ yếu từ các loại phân gia súc, gia cầm trong quá trình chăn nuôi của gia đình như: bò, heo, các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa... Đặc biệt, sâu canxi có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong các chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, tạo thành chất mùn giàu dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng, sau khi phân hủy xong các chất thải, chất mùn do sâu thải ra có thể trộn làm phân bón bón cho cây trồng hoặc đem đi bán với giá thành tương đối cao (từ 30 - 60 ngàn đồng/kg)”. Vòng đời của sâu canxi chỉ kéo dài khoảng 45 ngày và chia ra các giai đoạn trứng, ấu trùng, nhộng, ruồi trưởng thành. Đến ngày thứ 30 là thời điểm thu hoạch sâu làm thức ăn cho gà và cá, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 ngày. Đến ngày thứ 45, ấu trùng nở thành ruồi lính đen, chúng giao phối và tiếp tục đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ mới.

Trong toàn bộ quá trình sinh trưởng, ấu trùng là giai đoạn mang lại hiệu quả cao nhất vì có thành phần dinh dưỡng cao gồm protein, chất béo, canxi... đảm bảo dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi cá, gà, vịt, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm chi phí thức ăn và nâng cao lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi.

Ngoài mô hình nuôi sâu canxi, HND xã Phú Lễ còn áp dụng thành công mô hình ủ phân hữu cơ kết hợp nuôi trùn quế tại hộ của ông Phan Văn Đàng, ấp Phú Khương. Gia đình ông Đàng nuôi 6 con bò, trước đây, chất thải từ chăn nuôi như phân, rơm, cỏ còn thừa, ông thường đem đi phơi khô, đợi đến khi các phế phẩm này khô lại, bắt đầu phân hủy thì mới đem đi bón phân cho cây, mất rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, từ khi được HND xã giới thiệu cho mô hình nuôi trùn quế và phương pháp ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh mà tốc độ xử lý phế phẩm được rút ngắn đáng kể.

Ông Đàng cho biết: “Tận dụng khoảng 10m2, tôi sử dụng lá để làm vách và mái che, dưới sàn thì lót bạt. Sau đó, tôi tận dụng phân của bò để làm thức ăn cho trùn quế phát triển. Ngoài ra, lượng rơm và cỏ thừa tôi sẽ đem ủ theo quy trình lên men bằng men vi sinh để có tạo ra phân bón, bón cho vườn rau sau nhà. Hơn 1 năm nay, tôi không tốn tiền mua phân bón mà còn xử lý chất thải tại nhà gọn gàng, nhanh chóng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường”…

Theo báo cáo của HND xã, sau hơn 1 năm thực hiện dự án, đã có hơn 40 hộ là hội viên, nông dân đăng ký thực hiện. Đối với mô hình lên men phụ phẩm thức ăn gia súc, qua 15 hộ thực hiện, có 10 hộ ủ đạt chuẩn cho bò ăn. Đối với mô hình ủ phân hữu cơ, qua 15 hộ thực hiện, có 15 hộ ủ đạt chuẩn tạo phân hữu cơ cho trồng hoa màu và cây ăn trái. Đối với mô hình nuôi trùn quế, có 10 hộ nuôi thành công. Ngoài ra, các hội viên nông dân còn thường xuyên được tập huấn các kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày…

Thời gian tới, HND xã sẽ tiếp tục nhân rộng 4 mô hình này, hướng đến xây dựng quy trình chăn nuôi và trồng trọt thân thiện với môi trường theo đúng định hướng mà Trung ương HND Việt Nam phát động từ năm 2021.

Bài, ảnh: Bảo Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN