Phụ nữ Bến Tre

15/03/2024 - 05:41

BDK - Tháng Ba về cùng với ngày thế giới dành tặng tôn vinh phụ nữ (8-3). Thư viện Nguyễn Đình Chiểu lựa chọn một số tựa sách dành riêng tìm hiểu về nữ giới, để thêm hiểu, thêm trân trọng, tự hào và yêu thương. Cuốn “Phụ nữ Bến Tre”, một tựa sách tuy không mới nhưng lại có giá trị để nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống của phụ nữ quê hương xứ Dừa một lần nữa xin được giới thiệu với quý bạn đọc.

Bìa sách Phụ nữ Bến Tre.

Bìa sách Phụ nữ Bến Tre.

Quyển sách “Phụ nữ Bến Tre” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chủ trì thực hiện vào năm 2000. Tác giả Thạch Phương biên soạn, cùng với sự cộng tác của các tác giả: Nguyễn Văn Châu, Đoàn Tứ, Chí Nhân, Thanh Nhân, Quế Phương, Huỳnh Thị Đằng, Kim Liên, Trương Chí Lực, Phan Lữ Hoàng Hà. Đây được xem là quyển sách đầu tiên nói riêng về phụ nữ tỉnh nhà được biên soạn chỉn chu, nội dung phong phú.

Sách dày 462 trang, gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất “Phụ nữ Bến Tre qua các chặng đường lịch sử”, gồm 6 chương, nói về những cái chung, những thành quả và sự đóng góp của phụ nữ Bến Tre qua các giai đoạn lịch sử, tạo nên thành quả tốt đẹp của tỉnh đến ngày nay. Đồng thời, miêu tả lại quá trình hình thành và phát triển của các phong trào phụ nữ ở tỉnh, vai trò của Hội Phụ nữ cứu quốc, tiền thân Hội LHPN Việt Nam.

Phần thứ hai “Những gương mặt, những cuộc đời”, gồm: 54 câu chuyện, giới thiệu những tấm gương của các mẹ, các chị phụ nữ kiên cường, đảm đang, dũng cảm trong chiến đấu, quên mình vì dân tộc cùng các tấm gương phụ nữ trong nhiều lĩnh vực và đời thường. Bạn đọc có thể xem được câu chuyện về những phụ nữ ghi tên vào lịch sử như: “Bà Lê Thị Điền - Người trợ thủ đắc lực của cụ Đồ Chiểu”, “Sương Nguyệt Anh - Người nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt Nam”, “Bà Nguyễn Thị Định”… Hay câu chuyện về “Người Đoàn trưởng phụ nữ cứu quốc tỉnh đầu tiên”… Những câu chuyện về địa điểm, địa danh liên quan đến phụ nữ như: “Dòng kênh mang tên Phụ Nữ ở cù lao Minh”, “Con kênh Giải Phóng, niềm tự hào của phụ nữ Ba Tri”…

Ở phần này, các tác giả cũng lựa chọn, giới thiệu rất nhiều câu chuyện về gương của các bà mẹ xứ Dừa kiên trung, bất khuất như: “Gặp lại mẹ của người anh hùng phi công ném bom Dinh Độc Lập”, “Người mẹ Việt Nam anh hùng đã tự tay khâm liệm và chôn cất hơn 100 tử sĩ”… Hay câu chuyện về tổ chức hội phụ nữ với “Hội trưởng phụ nữ huyện 5 năm liền là một đồng chí nam!”.

Phần thứ ba, gồm 14 bài viết chủ đề “Những cảm nghĩ, hồi ức, kỷ niệm”, là những phác họa về hình ảnh phụ nữ Bến Tre qua ký ức, được ghi lại từ lời kể của một số vị cán bộ đã sống và chiến đấu ở mảnh đất 3 dải cù lao. Qua đó, chúng ta có thể biết thêm câu chuyện về những nữ pháo thủ của Tiểu đoàn 516 thời ấy qua lời kể lại của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị và Đại tá Phan Định. Từ một góc độ khác, bạn đọc được nghe lời tâm sự của một bà mẹ Việt Nam anh hùng về những ngày tháng sống, chiến đấu trên mảnh đất Bến Tre. Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Lời tập thể tác giả đầu sách viết: “Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, chúng tôi đã cố gắng sưu tập những gương đẹp nhất của phụ nữ tỉnh qua các cuộc khảo sát điền dã, qua sách báo đã xuất bản và qua ký ức của những cán bộ đã từng sống và chiến đấu trên quê hương Bến Tre và ghi lại, nhằm cung cấp cho độc giả hôm nay và lớp hậu sinh những tấm gương cao quý rất đáng trân trọng và tự hào”.

Quả thật vậy, qua chừng ấy năm kể từ khi cuốn sách này ra đời, quê hương Bến Tre tiếp tục phát triển thêm tươi đẹp hơn với bàn tay thêu hoa dệt gấm của bao lớp chị em phụ nữ. Và cũng chừng ấy năm, tiếp tục có thêm nhiều, rất nhiều những câu chuyện, những tấm gương phụ nữ đảm đang vun vén cho gia đình hạnh phúc, năng động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đóng góp cho quê hương, đất nước, cùng chung tay làm rạng rỡ quê hương Đồng Khởi xứ Dừa.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN