Phụ nữ cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

12/09/2018 - 08:40

BDK - Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự nhẹ dạ, cả tin và hám lợi nên một số chị em đã “sập bẫy” các chiêu trò câu nhử của bọn lừa đảo.

Hồ sơ một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.

Hồ sơ một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.

Lừa tình và tiền

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (so với năm trước tăng 8 vụ); trong đó, có 6 vụ lừa đảo qua mạng xã hội. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra 7 vụ lừa đảo qua mạng xã hội, tài sản thiệt hại ước tính 700 triệu đồng. Các đối tượng lừa đảo hoạt động ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng công nghệ cao tấn công vào giao dịch điện tử để chiếm đoạt tiền; thông qua mạng xã hội để kết bạn, làm quen rồi lừa tình và tiền của những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin... Gần đây, bọn chúng còn sử dụng chiêu thức làm quen qua mạng xã hội, giả vờ gửi quà có giá trị lớn từ nước ngoài về, bố trí người giả làm nhân viên sân bay, nhân viên bưu điện đến yêu cầu các nạn nhân nộp lệ phí làm thủ tục nhận quà rồi chiếm đoạt.

Vào đầu tháng 8-2018, chị Lê Thị Hồng H., ở xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, đến cơ quan điều tra để trình báo về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 143 triệu đồng. Trước đó khoảng 6 tháng, qua mạng xã hội, chị H. đã kết bạn và làm quen với một người đàn ông quốc tịch Mỹ có tên là AliMuhammad Kingsley. Sau một thời gian kết bạn, ngày 1-7-2018, người này báo với chị H. sẽ gửi quà gồm: điện thoại di động, đồng hồ, mỹ phẩm, trang sức và số tiền 400 ngàn USD từ Mỹ về Việt Nam cho chị H. và bảo chị chuẩn bị nhận hàng. Đến giữa tháng 7-2018, chị H. nhận được điện thoại từ một người phụ nữ thông báo chị có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về và yêu cầu chị H. đóng 23 triệu đồng vào tài khoản do người phụ nữ đó cung cấp để được nhận số bưu phẩm trên. Sau khi nộp tiền nhưng vẫn chưa nhận được hàng, chị H. liên lạc với người bạn bên Mỹ thì được người đàn ông này cho biết, do số tiền gửi về Việt Nam vượt quá mức quy định nên phải đóng tiền bảo lãnh thì mới nhận được. Chị H. tiếp tục nộp tiền 2 lần; tổng cộng 3 lần chuyển tiền là 143 triệu đồng. Sau khi đã chuyển tiền nhiều lần mà vẫn không nhận được hàng, chị H. liên lạc lại với người bạn bên Mỹ nhưng không được, nghi ngờ mình bị lừa, chị H. đến cơ quan công an để trình báo nhưng đã muộn. Bọn lừa đảo đã lấy hết số tiền chị chuyển vào tài khoản của bọn chúng và số tài khoản trên được bọn chúng làm từ giấy chứng minh của một người vô tình đánh rơi.

Cũng với thủ đoạn trên, chị H.V., 40 tuổi, ở TP. Bến Tre bị lừa mất số tiền trên 400 triệu đồng. Trước đó, vào cuối năm 2017, chị H.V. kết bạn qua Facebook với một người có tên Jackson Roberts. Sau khoảng 3 tháng kết bạn, Roberts thông báo cho chị H.V. sẽ chuyển 1 triệu USD và quà tặng. Sau đó, bọn chúng câu kết, đóng giả làm nhân viên sân bay, nhân viên hải quan nhiều lần liên lạc với chị H.V. yêu cầu chị chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng để nhận hàng và tiền từ Mỹ chuyển về. Sập “bẫy lừa” của bọn lừa đảo chuyên nghiệp, chị H.V. mất hơn 400 triệu đồng sau nhiều lần chuyển vào tài khoản của bọn lừa đảo. 

Đánh cắp thông tin tài khoản

Thời gian gần đây, nhiều thông tin liên quan tới thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng cũng có chiều hướng gia tăng. Những kẻ lừa đảo sẽ giả mạo người thân, bạn bè của các nạn nhân và nhờ nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài. Các đường link giả mạo trang web chuyển tiền quốc tế sẽ được cung cấp. Khi nạn nhân truy cập vào các đường link này sẽ ngay lập tức bị đánh cắp thông tin và bọn xấu sẽ sử dụng thông tin đó để thực hiện các giao dịch lừa đảo mà nạn nhân không hay biết. Mọi người nên đề cao cảnh giác, đề phòng sập “bẫy lừa” của bọn tội phạm.          

Ngoài các phương thức, thủ đoạn nêu trên, bọn tội phạm còn lợi dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để quảng cáo, bán hàng sau đó chiếm đoạt số tiền của người mua hàng. Mới đây, bà Lê Thị A. ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri đến cơ quan Công an tỉnh trình báo về việc mình bị chiếm đoạt mất số tiền 37,5 triệu đồng từ việc mua hàng qua Zalo. Trước đó, đầu tháng 1-2018, bà A. thấy quảng cáo trên Zalo và đặt mua chiếc xe SH 150i bán với giá 38 triệu đồng. Sau 2 lần chuyển với tổng số tiền 37,5 triệu đồng cho chủ tài khoản có tên Huỳnh Sơn, sinh năm 1998, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhưng bà A. vẫn không nhận được xe. Không liên lạc được với người đăng bán xe qua Zalo, nạn nhân biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo vụ việc. Đây cũng là bài học cảnh giác cho mọi người khi đặt mua hàng qua mạng xã hội.

Theo Thượng tá Lê Quang Minh - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh: Đa số các trường hợp bị mắc lừa qua mạng xã hội đều là chị em phụ nữ. Để phòng tránh loại tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, chị em phụ nữ cần phải nêu cao ý thức cảnh giác: khi nhận được các thông tin thông báo từ mạng xã hội cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ mới tiến hành thực hiện các giao dịch; không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân hoặc bạn bè nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận nội dung thông tin… Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu bị lừa đảo cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để tiến hành xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn không để bọn tội phạm thực hiện được hành vi phạm tội.

Bài, ảnh: Văn Thỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN