Mô hình chăn nuôi gà thoát nghèo bền vững của hộ bà Nguyễn Thị Kim Ly, ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng.
Xã Phú Phụng có 5 ấp, hơn 2.600 hộ dân với hơn 9.300 nhân khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp với thế mạnh là kinh tế vườn - trồng và sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao như: chôm chôm, sầu riêng và sản xuất cây giống - hoa kiểng. Sau khi xây dựng thành công xã NTM vào năm 2019 đến nay, người dân địa phương quan tâm đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao hướng đến xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị sản xuất, nhiều mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, xây dựng vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng trên các loại cây ăn trái chủ lực như chôm chôm, sầu riêng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo…
Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã còn 2,99%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,42%. Xác định công tác giảm nghèo với việc xây dựng các mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND xã Phú Phụng đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công xã NTM nâng cao theo Nghị quyết Đảng ủy xã trong năm 2023. Với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương vào cuộc quyết liệt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người nghèo và triển khai xây dựng các mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Phụng Đỗ Thị Kim Truật cho biết: Hội LHPN xã đã xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi gà thả vườn, có 12 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia và đã thoát nghèo được 11 hộ, nhân rộng mô hình cho 6 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ngoài ra, hội còn tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề đan thảm, may gia công, đan giỏ cho 54 hội viên, phụ nữ nghèo nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo, cải thiện đời sống…
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Hội LHPN xã đã xây dựng dự án nuôi gà thả vườn từ năm 2021, trong số 11 hộ thoát nghèo bền vững, có chị Nguyễn Thị Kim Ly, hội viên phụ nữ ấp Phụng Đức A, là một tấm gương điển hình thoát nghèo bền vững với mô hình nuôi gà kiểng. Qua 2 năm thực hiện dự án, đến nay, chị duy trì đàn gà hơn 100 con, hàng tháng xuất chuồng từ 20 - 30 con theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi con gà thành phẩm từ 2 - 5 triệu đồng/con. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ 8 hộ nghèo khác nuôi gia công, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em hội viên, phụ nữ nghèo trong ấp.
“Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình tại địa phương luôn được duy trì và thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như hỗ trợ mượn vốn, ngày công lao động, thành lập các tổ tương trợ, tổ góp vốn xoay vòng. Đến nay, hội đã duy trì 17 tổ tương trợ với 190 thành viên; thành lập mới 2 tổ hụi không lời (8 thành viên/tổ), lũy kế đến nay có 19 tổ với 206 thành viên”, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Phụng Đỗ Thị Kim Truật cho biết thêm.
“Các chế độ, chính sách dành cho người nghèo luôn được địa phương quan tâm, thực hiện rất tốt như: chi trả tiền điện, nước sinh hoạt, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo… Công tác xã hội hóa về công tác giảm nghèo cũng được các ngành, đoàn thể xã quan tâm. Trong năm, đã vận động các mạnh thường quân xây dựng và bàn giao 8 căn nhà tình thương, tặng hơn 2.500 phần quà, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư sản xuất, canh tác vườn… nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nghèo…”.
(Phó chủ tịch UBND xã Phú Phụng Nguyễn Mạnh Cường)
|
Bài, ảnh: Thành Lập