Phương án cung ứng hàng hóa trong thời gian giãn cách

24/07/2021 - 11:23

BDK.VN - Ngày 23-7-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh vừa ký ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiêu thụ hàng hóa, đảm bảo chế độ chính sách cho các đối tượng, vận động, tiếp nhận viện trợ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Kế hoạch đã xây dựng phương án đảm bảo hàng hóa lương thực, thực phẩm phục vụ cho người dân trong 14 ngày giãn cách xã hội; đồng thời, đề ra giải pháp trong trường hợp có khu vực bị cách ly, bị khan hiếm hàng hóa.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh khảo sát tình hình cung ứng các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị Go Bến Tre.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh khảo sát tình hình cung ứng các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị Go Bến Tre.

Phương án cung ứng hàng hóa trong 14 ngày giãn cách

Theo thống kê của các huyện, thành phố thì nguồn cung một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các cửa hàng, trong dân... trên địa bàn thì đủ cung cấp cho dân trong 14 ngày. Tổng hợp trên toàn tỉnh, nguồn cung cụ thể như: gạo 14.965 tấn, thịt gia súc 5.119 tấn, thịt gia cầm 3.737 tấn, trứng gia cầm 12,368 triệu trứng, rau củ quả 2.289 tấn, thủy hải sản, thực phẩm chế biến 4.898 tấn, mì tôm 195.016 thùng. 

Căn cứ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường, để cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của nhân dân trên địa bàn với định mức cho 1 người trong 14 ngày: gạo 4,2kg; thịt gia súc 1,4kg; thịt gia cầm 1.4 kg; thủy hải sản đông lạnh 1.4kg; rau củ 2.8kg; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 14 gói. Đây là định mức bình quân dành cho người tiêu dùng bình thường vì thực tế mỗi người có mức tiêu dùng khác nhau.

Về nhu cầu, tính trên toàn tỉnh, nhu cầu tiêu dùng 1,3 triệu dân trên địa bàn tỉnh tiêu dùng trong 14 ngày: gạo 5.460 tấn, thịt gia súc 1.820 tấn, thịt gia cầm 1.820 tấn, trứng 7,28 triệu quả, rau củ quả 3.640 tấn, thủy hải sản, thực phẩm chế biến 1.820 tấn, mì tôm 300.531 thùng.

Như vậy, cân đối cung cầu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh theo thông tin từ huyện, thành phố cung cấp sẽ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Riêng mặt hàng mì tôm, rau củ nếu thiếu hàng sẽ điều phối từ các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh, kết nối tiêu thụ rau củ từ huyện dư sang huyện thiếu.

Theo Siêu thị Go! Bến Tre, hàng ngày, Siêu thị nhập hàng rau củ từ Đà Lạt về khoảng 10 tấn. Mặt khác, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh như Siêu thị Go!, Siêu thị Co.opmart, hệ thống cửa hàng Vinmart+, hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh, Công ty lương thực Bến Tre, Công ty Thương mại Trúc Giang, Công ty Nguyễn Văn Thông đã cam kết dự trữ hàng hoá nhu yếu phẩm đủ phục vụ nhân dân trong 14 ngày giãn cách.

Trường hợp có khu vực bị cách ly, bị khan hiếm hàng hóa

Nếu trên địa bàn tỉnh có một khu vực nào đó bị cách ly, dẫn đến khan hiếm hàng hóa thì Sở Công Thương sẽ phối hợp với các khu trung tâm bị cách ly để xác định phương án, phương thức cung cấp hàng hóa đến các khu vực bị cách ly. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố nắm bắt thông tin khu vực bị cách ly, số lượng người, nhu cầu cần phục vụ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao để cùng phối hợp triển khai việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân.

Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với doanh nghiệp cung cấp đủ lượng hàng theo phân công để hỗ trợ, cung ứng hàng hóa đảm bảo nhu cầu cho người dân tại khu vực cách ly; phối hợp với huyện tìm địa điểm hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động.

Cần thiết, Sở Công Thương đề nghị các tỉnh, thành có lượng hàng hóa dồi dào cần kết nối tiêu thụ trong tỉnh. Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện cho các xe chuyên chở hàng hóa đến các khu vực thiếu hàng hoặc vận chuyển hàng hóa đến khu vực cách ly vùng dịch để cung ứng cho người dân.

UBND các huyện, thành phố có khu vực bị khoanh vùng cách ly điều động nhân lực và phương tiện phối hợp với doanh nghiệp để tiếp nhận và cung ứng hàng hóa cho người dân tại khu vực bị cách ly.

Về bình ổn thị trường, trường hợp trong 14 ngày giãn cách xã hội, xảy ra tình trạng hàng hóa khan hiếm, giá tăng đột biến, Tiểu ban hậu cần sẽ đề xuất với Ban Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, các huyện, thành phố phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh.

Bài, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích