 |
Bác sĩ Lê Thanh Hùng khám bệnh cho trẻ em. |
Phong Mỹ (Giồng Trôm) là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình quân - dân y kết hợp vào năm 2002. Mô hình đã khẳng định hiệu quả thiết thực, rõ nét - nhất là xây dựng và củng cố trạm y tế xã, quân - dân y kết hợp để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần ổn định xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng.
Khi đến Trạm Y tế xã Phong Mỹ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh thân thiện giữa người bệnh và các y sĩ, bác sĩ. Ông Trần Văn Tuấn - cựu chiến binh, bị bệnh huyết áp cao và thiếu nan vành phải thường xuyên đến Trạm Y tế xã để nhận thuốc điều trị bệnh. Ông Tuấn nhận xét: Các y sĩ, bác sĩ ở đây luôn ân cần với người bệnh. Bên cạnh đó, các y sĩ, bác sĩ còn tư vấn cho người bệnh chế độ ăn uống bổ sung chất dinh dưỡng và cách phòng ngừa các bệnh có liên quan. Người bệnh thuộc diện gia đình chính sách hay hộ nghèo đến khám bệnh đều được đối xử như nhau, không có bất cứ sự phân biệt nào.
Theo bác sĩ Lê Thanh Hùng, năm 2002, mô hình quân - dân y được triển khai ở xã Phong Mỹ. Anh (công tác ở Bệnh xá Tỉnh Đội) được phân công mỗi tuần đến Trạm Y tế xã một lần để khám bệnh cho nhân dân. Vài năm sau, anh đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 895 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, phải thường xuyên cùng đơn vị đi dã ngoại, huấn luyện tân binh, nên mỗi tháng chỉ đến hỗ trợ trạm khám bệnh 2 lần. Khi đến Trạm Y tế xã, người bệnh thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em đều được khám bệnh và cấp thuốc chu đáo. Trường hợp bệnh nặng, anh hướng dẫn chuyển tuyến theo quy định. Quân khu 9 hỗ trợ cho Trạm nguồn thuốc để cấp điều trị miễn phí cho hộ gia đình chính sách. Ngoài ra, mô hình còn hỗ trợ cho Trạm Y tế xã trang thiết bị và sửa chữa nâng cấp. Có năm, Trạm được hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa nâng cấp, 20 triệu đồng mua trang thiết bị và thuốc. Những năm sau, kinh phí hỗ trợ cho Trạm có giảm, nhưng vẫn góp phần đảm bảo hoạt động của Trạm. Bác sĩ Hùng nói: “Vui nhất là được bà con tin tưởng và tín nhiệm”. Hàng năm, số lượt người dân được khám, chữa bệnh, phát thuốc đều tăng. Cụ thể, năm 2002, trạm khám 1.135 lượt người, năm 2004: 3.798 lượt người và năm 2011: 4.050 lượt người. Số người dân được tuyên truyền, giáo dục chăm sóc sức khỏe có lúc lên cao điểm 2.000 lượt người/năm…
Theo Trưởng Trạm Y tế xã Phong Mỹ Nguyễn Thị Mỹ Phượng, hiện Trạm chỉ có y sĩ đa khoa, nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi, điều dưỡng, dân số, y học dân tộc, chưa có bác sĩ, nhưng nhờ có mô hình quân - dân y kết hợp, với hai bác sĩ tuyến huyện luân phiên đến hỗ trợ, nên đã đáp ứng yêu cầu khám và điều trị bệnh cho người dân địa phương. Mô hình quân - dân y đã hỗ trợ Trạm ống nghe, máy đo huyết áp, khí dung, dụng cụ khám răng - hàm - mặt, mắt, bàn tủ, ghế, giường... Qua các năm hoạt động, quân - dân y kết hợp đã giúp Trạm về chuyên môn, nguồn vốn để duy trì Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Được biết, nguồn vốn, thuốc hỗ trợ mô hình quân - dân y đã tăng từ 3,18 triệu đồng lên 5,5 triệu đồng, tạo điều kiện cho Trạm chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Mô hình quân - dân y kết hợp đã góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Hiện mô hình này đang được triển khai tại Trạm Y tế các xã: Phong Mỹ (Giồng Trôm), An Phước (Châu Thành), Thạnh Trị (Bình Đại), Minh Đức (Mỏ Cày Nam) và An Điền (Thạnh Phú). |