Trong quan niệm truyền thống với sự chi phối của văn hóa phương Đông thì người thầy giữ vai trò thứ hai trong cương thường “Quân, sư, phụ”. Người thầy có tri thức rộng, uyên bác. Thiên chức người thầy không chỉ truyền bá tri thức mà còn đào tạo ra người tài cho quốc gia. Thế nên mới có câu “Lương sư hưng quốc” - thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh. Việc học ngày xưa đã chú trọng cả dạy chữ và dạy người, trong đó đặt dạy đạo lý làm người lên hàng đầu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”- trước hết phải học đạo lý, lễ nghĩa, rồi sau mới học kiến thức văn hóa.
Ngày nay, bên cạnh sự tôn vinh nghề dạy học và các bậc “lương sư”, nhiều giá trị mới, cách thể hiện mới đã được bổ sung vào quan niệm về người thầy và nghề dạy học. Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Nhiều chế độ, chính sách quan tâm, ưu tiên cho các trường sư phạm, khoa sư phạm, sinh viên ngành sư phạm, đội ngũ thầy, cô giáo bám trường, bám lớp nơi địa bàn vùng sâu, vùng xa. Quan niệm về việc dạy và việc học đã có sự thay đổi tất yếu dẫn đến sự đổi thay cách hiểu về người thầy và nghề dạy học.
Xu hướng chung trong dạy học thế kỷ XXI có sự thay đổi lớn về quan điểm dạy học chuyển từ “lấy thầy làm trung tâm” sang “lấy trò làm trung tâm” hoặc “giáo dục hướng về người học”, trong đó trò là chủ thể, thầy là tác nhân của quá trình dạy học. Tư tưởng dạy học tích cực này ra đời như một tất yếu khách quan trên nền tảng thành tựu to lớn của công nghệ thông tin, kinh tế tri thức được tích lũy trong suốt thế kỷ XX.
Trong quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang tiếp tục cần bàn luận làm rõ nhiều vấn đề vai trò người thầy trong xã hội hiện đại. Trước hết, đổi mới không có nghĩa là phủ nhận những giá trị của giáo dục truyền thống. Vẫn rất cần kế thừa sự trân trọng nghề dạy học và khẳng định vị thế người thầy trong xã hội để làm nền tảng cho quan điểm mới về người thầy trong thời đại ngày nay.
Tư tưởng của ông cha ta đề cao người dạy - chủ thể tổ chức, quản lý việc học thành công. Vai trò người thầy chi phối mọi khía cạnh liên quan đến hoạt động học của học sinh được đúc kết ngắn gọn, thâm thúy: mục tiêu của học là “Học để nên người”. Nội dung của sự học là “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “học khôn”. Để học tốt cần có cách học hay như khi học cần “học hỏi” (học thông qua hỏi, vấn đáp), “Học hành” (Học gắn liền với thực hành), “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” (học trong thực tiễn đời sống). Việc học cũng cần mở rộng từ học thầy đến học bạn và học tập trong cuộc sống “Không thầy đố mày làm nên”, “Học thầy không tày học bạn”, “Học một biết mười” (học cách học để học rộng, hiểu sâu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ mới XHCN của dân, do dân và vì dân. Người luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của thầy, cô giáo trong sự nghiệp “trăm năm trồng người” để nước nhà độc lập, thống nhất và phát triển sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Tư tưởng của Người là thầy, cô giáo phải hướng dẫn, dạy cách học cho trò theo phương châm “cách học tập: lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”.
Hiện nay, trong cái nhìn mới của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống trong đạo lý làm người vẫn được trân trọng, tôn vinh “Tôn sư trọng đạo”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ai dạy ta dù chỉ một chữ, nửa chữ mà giúp ta nên người, nên nghiệp thì ta phải tri ân, báo đáp. Với quan niệm rộng về việc dạy và việc học như trên thì ông, bà, cha mẹ trong gia đình, anh chị em, chòm xóm láng giềng cũng là những người thầy trong cuộc đời. Cái riêng trong từng “kênh” dạy học đó cần tiếp tục được làm rõ trong xu hướng xây dựng xã hội học tập và mỗi người đều phấn đấu học tập suốt đời để đáp ứng những yêu cầu về năng lực làm việc và kỹ năng sống trong xã hội hiện đại.
Nghề dạy học là nghề cao quí. Thầy, cô giáo là kỹ sư tâm hồn. Để đạt danh hiệu giáo viên giỏi là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ. Hiện nay, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại Bến Tre có trên 16.000 người, hầu hết đã đạt chuẩn về chuyên môn. Được các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh quan tâm, nhà giáo địa phương được tạo điều kiện an tâm công tác, tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn sâu. Trình độ chuyên môn trên chuẩn trong đội ngũ giáo viên các cấp không ngừng được nâng lên, cụ thể là giáo viên cấp học Mầm non trên 35%, cấp Tiểu học trên 58%, cấp THCS trên 54%, cấp THPT trên 11%. Toàn tỉnh hiện có gần 230 giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục có học vị Thạc sĩ, nhiều giáo viên đang trong quá trình nghiên cứu để có học vị Tiến sĩ. Nhiều tập thể, cá nhân nhà giáo tâm huyết với nghề hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thể hiện tài năng, đức độ và tạo được uy tín của mình trong môi trường sư phạm và trong trái tim các thế hệ học trò. Đó là những bông hoa đẹp trong quá trình đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Càng trân trọng những công lao to lớn của thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” bao nhiêu, dư luận xã hội không khỏi chạnh lòng và lo lắng khi xuất hiện những hiện tượng “lệch chuẩn” của một bộ phận đội ngũ giáo viên hiện nay. Vẫn còn những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, nhiệt huyết với nghề giảm sút, thậm chí coi việc dạy thêm, học thêm ngoài qui định là “cần câu cơm” để rồi cắt xén kiến thức cần truyền đạt trên lớp để dạy ở nhà, hoặc có giáo viên “làm khó” học trò và phụ huynh… Ngược lại, một số học sinh không những không ý thức đầy đủ về đạo làm trò mà lại có những hành vi vô lễ với thầy, cô; thậm chí còn hành hung giáo viên mỗi khi thầy, cô nghiêm khắc phê bình. Bạo lực học đường và những hệ lụy của nó đã và đang là vấn đề thời sự được xã hội quan tâm. Rất cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để môi trường giáo dục thực sự là nơi ươm mầm cho sự phát triển nhân cách tốt đẹp, toàn diện của học sinh.
Năm nay, vào dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại được nghe những lời tâm huyết của người xưa răn dạy cháu con: Người không học như ngọc không mài. Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.