Xây dựng gia đình hạnh phúc, bài 3:

Quan tâm chăm lo công tác gia đình

20/03/2020 - 07:25

BDK - Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lĩnh vực gia đình, tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay đang đối mặt với sự xuống cấp của các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa, các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình lỏng lẻo… Sự quan tâm từ hệ thống chính quyền, các ban ngành, đoàn thể được xem như là ngoại lực, để cùng bảo vệ các tế bào gia đình trước những thách thức của xã hội hiện đại.

Các gia đình cùng tham gia các hoạt động chung để thêm thấu hiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

Các gia đình cùng tham gia các hoạt động chung để thêm thấu hiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

Cộng đồng cùng chung tay

Câu lạc bộ (CLB) Gia đình hạnh phúc xã Sơn Định (Chợ Lách) được thành lập tháng 11-2012, từ 5 cặp vợ chồng tham gia ban đầu đến nay đã phát triển được 20 cặp (40 thành viên). Các hộ gia đình tham gia CLB có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Có thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, có thành viên là thợ mộc, thợ hồ, nông dân… CLB sinh hoạt mỗi tháng 1 lần và được tổ chức luân phiên đến từng gia đình. Sự phát triển của CLB xuất phát từ nhu cầu của các gia đình tại địa phương.

Nội dung sinh hoạt của CLB ngoài thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn tập trung trang bị thêm cho các thành viên kiến thức về phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, luật hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi… Bên cạnh đó còn có các hoạt động giao lưu văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con, kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc gia đình, góp phần gắn bó thêm tình làng nghĩa xóm. Bản thân mỗi gia đình được tiếp thêm kỹ năng để vun vén cho hạnh phúc gia đình mình.

Ông Lê Ngọc Sơn - Phó chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc xã Sơn Định cho biết, CLB còn giữ vai trò hòa giải, hỗ trợ các gia đình thành viên khi có xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, giúp hàn gắn, tiếp sức cho các gia đình thành viên vượt qua những trắc trở. “Có những khi gia đình mình xảy ra cãi nhau thì lại nhớ đến việc mình đang là thành viên của CLB gia đình hạnh phúc thì tự tiết chế và điều chỉnh lại gia đình mình. Không phải gia đình nào khi tham gia CLB đều là gia đình hạnh phúc sẵn mà là chúng tôi cùng giúp nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc hơn mỗi ngày”, ông Sơn lý giải.

Bà Võ Ái Hòa - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phân tích: “Mỗi gia đình đều sống trong một cộng đồng. Do đó, khi một gia đình nào đó xảy ra vấn đề không vui, có nguy cơ tan vỡ thì rất cần sự quan tâm chia sẻ kịp thời của những người trong cộng đồng, nhất là những người hay các tổ chức có trách nhiệm, như: tổ hòa giải, tổ nhân dân tự quản, tổ, hội phụ nữ, cơ quan, đơn vị nơi làm việc… để nhận diện sớm nhất và sẽ làm “cầu nối”, có sự tác động, hỗ trợ kịp thời để hàn gắn, hòa giải, giải tỏa vấn đề giúp cho gia đình ấy vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục xây dựng hạnh phúc”.

Bến Tre hiện có 146/164 xã, phường, thị trấn (chưa sáp nhập) có xây dựng gia đình phát triển bền vững và nhóm xung kích phòng chống bạo lực gia đình. Qua đó, thiết lập được mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tạm lánh, địa chỉ tin cậy, đội phản ứng nhanh...

Nâng cao hiệu quả công tác gia đình

Nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai chương trình hành động về lĩnh vực gia đình cũng như tập huấn về công tác gia đình, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6)…; triển khai các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác gia đình… Các phong trào đã tác động sâu sắc đến công tác gia đình là xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội” và Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát huy giá trị tốt đẹp trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình, ngày 29-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” góp phần xây dựng gia đình Việt Nam, TP. Bến Tre (đơn vị đầu tiên triển khai) và các huyện đã hướng đến nhiều phần việc cụ thể. Trong đó, có tăng cường thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan; kết hợp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư qua các buổi sinh hoạt cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thực hiện các tiêu chí ứng xử tốt đẹp trong gia đình.

Tại các địa phương, nhiều gia đình đã tiên phong đăng ký thực hiện bộ tiêu chí ứng xử để làm nòng cốt, lan tỏa hiệu quả của bộ tiêu chí trong cộng đồng.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được áp dụng trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Các đoàn thể cùng vận động các thành viên của mỗi gia đình thực hiện tốt các tiêu chí ứng xử: vợ chồng chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với cháu luôn gương mẫu, yêu thương; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép và ứng xử của anh, chị, em là hòa thuận, chia sẻ.

“Các ban, ngành, đoàn thể có liên quan cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện công tác gia đình. Ngay từ bây giờ, cần có sự chung tay giáo dục tốt cho các thế hệ trẻ về các giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam; bồi dưỡng kỹ năng sống, những kiến thức về xây dựng gia đình trong độ tuổi vị thành niên để khi các em trưởng thành sẽ có nhận thức tốt về việc duy trì các giá trị ấy trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”.

(Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Võ Ái Hòa)

A. Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN