Phó bí thư Tỉnh đoàn - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Phan Thanh Trẻ trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên phát triển kinh tế tại huyện Ba Tri và Chợ Lách. Ảnh: CTV
Tư vấn, giới thiệu việc làm
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh, hàng năm, tỉnh có khoảng 16.500 thanh niên (TN) bước vào tuổi LĐ. Với nguồn LĐ dồi dào và tương đối trẻ, trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và GQVL cho TN, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các mục tiêu nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho NLĐ. Ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho TN nông thôn, bộ đội xuất ngũ, TN khuyết tật và TN hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả, trong năm 2022, đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp và tuyên truyền NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 34.310 lượt người, GQVL cho 21.408 LĐ, trong đó có khoảng 7.000 - 8.000 LĐ trong độ tuổi TN trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp trong TN vẫn còn ở mức cao. Chất lượng việc làm chưa cao, thiếu việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên, năng suất LĐ thấp. Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận 12.781 hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi LĐ là 2,16%. Tỷ lệ thất nghiệp của TN ở khu vực đô thị dưới 2%. Tỷ lệ TN thiếu việc làm ở nông thôn dưới 4%. Trong giai đoạn tới đây, cơ cấu LĐ trẻ tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tăng trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm trong nông nghiệp. Có xu hướng di chuyển LĐ tự do, thu hẹp khu vực công, mở rộng khu vực tư ở tất cả các lĩnh vực. Tình trạng thất nghiệp, nhu cầu về việc làm, thị trường LĐ sẽ tiếp tục là mối quan tâm xã hội lớn của TN.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình tại các địa phương về hướng nghiệp, đào tạo nghề và GQVL cho TN chưa được thực hiện thường xuyên. Kết quả thực hiện chưa cao do kiến thức và năng lực tham mưu của đội ngũ cán bộ cơ sở về nghề nghiệp, việc làm còn nhiều hạn chế. Việc triển khai thực hiện các chương trình đào tạo nghề, GQVL cho TN không đồng đều giữa các địa phương. Hoạt động hướng nghiệp đối với thanh thiếu niên nói chung và học sinh trong các trường THPT nói riêng chưa có nhiều đổi mới, thiếu các mô hình cụ thể, sáng tạo. Mới chỉ dừng lại tư vấn mùa thi, tư vấn tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh cao đẳng, đại học hàng năm.
Hỗ trợ nghề, việc làm
Để hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho TN, theo Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh, cần phối hợp triển khai công tác truyền thông nâng cao nhận thức của TN và xã hội về nghề nghiệp, việc làm, lập nghiệp, khởi nghiệp. Tuyên truyền những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của TN. Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ, tay nghề, làm chủ các thiết bị sản xuất hiện đại, thể hiện vai trò của TN tham gia phát triển kinh tế. Thường xuyên vận động, giáo dục TN ý thức lập thân, lập nghiệp, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Giáo dục truyền thống yêu quê hương, cần cù trong LĐ, học nghề, có việc làm và tinh thần khắc phục khó khăn để khẳng định sức mạnh, trí tuệ của TN “Đồng khởi mới” trong việc tham gia phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Tiếp tục nhân rộng và đẩy mạnh thực hiện các giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi”, “Lương Định Của”, danh hiệu “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt”... nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong LĐ, sản xuất, nghiên cứu, học tập, TN công nhân, TN nông thôn. Tổ chức các buổi tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, đặc biệt là các ngành nghề phổ biến trong xã hội cho học sinh. Tham mưu, phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi tư vấn, trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh các thông tin về cơ sở đào tạo, doanh nghiệp sử dụng LĐ; cơ hội việc làm khi tham gia thị trường LĐ đối với các ngành nghề đào tạo. Thành lập và triển khai hoạt động của các câu lạc bộ, các diễn đàn hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường.
Giới thiệu việc làm, hỗ trợ TN phát triển sản xuất nâng cao thu nhập như hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngoài nước để kết nối GTVL trong và ngoài nước phù hợp với khả năng của NLĐ và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sinh kế, xây dựng và phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong TN. Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh và các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện giúp TN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Kết nối với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Khởi nghiệp tiên phong tỉnh, huyện đồng hành, hướng dẫn ý tưởng, dự án khởi nghiệp cụ thể của đoàn viên, TN.
“Giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến năm 2030, hàng năm tư vấn hướng nghiệp cho 28 ngàn TN, học sinh. 100% các huyện đoàn, thành đoàn phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức hội nghị tư vấn, GTVL, vận động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp giới thiệu cho ít nhất 4.500 TN có việc làm hàng năm. Trong đó, vận động ít nhất 500 TN đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tổ chức dạy nghề cho 1.000 TN. 100% TN có nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp được cung cấp kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp, giới thiệu, kết nối các nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ việc làm. Hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn đoàn hỗ trợ ít nhất 1 hộ nghèo hoặc 1 hộ cận nghèo do TN làm chủ thoát nghèo bền vững”.
(Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh)
|
Hoàng Phương