Quê hương Thạnh Phước hai lần anh hùng

28/04/2023 - 05:25

BDK - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại Lê Vũ Minh cho biết: Qua nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, kết quả đạt và vượt 18/25 chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm, phát triển hơn 355ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao (vượt chỉ tiêu huyện giao), hoàn thành việc xây dựng chuỗi giá trị tôm.

Trại tôm giống công nghệ cao tỉnh đặt tại xã Thạnh Phước.

Trại tôm giống công nghệ cao tỉnh đặt tại xã Thạnh Phước.  

Anh hùng Lực lượng vũ trang

Ông Nguyễn Văn Ron - nguyên Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, người con của quê hương Thạnh Phước kể: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với hai địa phương là xã Thới Thuận và Thừa Đức, Thạnh Phước là trong những địa bàn trọng điểm, nơi đứng chân của nhiều cơ quan kháng chiến của tỉnh như Nhà in Chiến Thắng, công trường sản xuất vũ khí của tỉnh, Trường Đảng Trần Trường Sinh, nơi cất giữ vũ khí (A100) của tỉnh và các tỉnh lân cận như Cà Mau, Trà Vinh… phục vụ cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1965, Thạnh Phước được thành lập từ sự nhập lại của hai xã Phước Thuận và Thạnh Tân, có diện tích hơn 11 ngàn ha, chủ yếu là rừng ngập mặn với chà là gai, cây đước, giá và dừa nước. Chủ yếu đời sống của người dân địa phương là đánh bắt thủy sản. Đường đi lại hết sức khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Ron, trước đây, thanh niên địa phương rất khó cưới vợ ở ngoài xã bởi người ta rất e ngại khi gã con gái về xã này vì nghèo và khó khăn. “Thời kháng chiến chống Mỹ, Thạnh Phước là một chiến trường khốc liệt, một ngày, có khi bộ đội ta phải đối đầu với hai mặt trận đánh địch. Trận đánh ở ngay tại Nghĩa trang liệt sĩ xã bây giờ là một trận đánh lớn, xác địch chết chất thành đống”, ông Nguyễn Văn Ron nhớ lại.

Sau giải phóng, năm 1978, Thạnh Phước là một trong hai địa phương đầu tiên của huyện Bình Đại được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến khoảng năm 1979 - 1980, tuyến đê Đông (từ cầu 30-4) được đắp bằng chính sức người nối tuyến đường giao thông giữa Thạnh Phước với Thới Thuận và Thừa Đức. Tuyến đê này còn góp phần phục vụ cho sản xuất lúa của người dân địa phương. Tuy nhiên, thủy sản vẫn là kinh tế mũi nhọn của xã Thạnh Phước. “Năm 1990, chị Mười Hồng là người đầu tiên đem con tôm sú từ Ninh Thuận về nuôi trên vùng đất này với hình thức nuôi quảng canh. Những năm ấy, nuôi tôm trúng vô cùng”, ông Nguyễn Văn Ron kể. Mãi đến năm 1997, Thạnh Phước chính thức có điện phục vụ sinh hoạt cho người dân bằng công tác xã hội hóa - đây cũng là địa phương có điện đầu tiên của huyện. Từ thời điểm này, Thạnh Phước có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh…

Anh hùng trong thời kỳ đổi mới

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, năm 2005, với sự đoàn kết, quyết tâm của hệ thống trị và nhân dân xã nhà, Thạnh Phước xây dựng thành công xã văn hóa. Cùng trong năm này, Thạnh Phước cũng đón nhận thêm “niềm vui” lớn khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đây là tiền đề, là động lực quan trọng để Thạnh Phước đi lên. Trong phong trào cả nước “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, đến tháng 10-2020, Thạnh Phước đạt chuẩn danh hiệu này.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạnh Phước Võ Văn Hùng cho biết: Qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cơ sở xác định 30 đầu việc, địa phương đã tổ chức thực hiện đạt kết quả như sau: nhóm đầu việc về xây dựng hệ thống chính trị gồm 5 đầu việc, trong đó, đạt 40 - 60% là 2 đầu việc, đạt 100% là 3 đầu việc; nhóm đầu việc về phát triển kinh tế gồm 8 đầu việc, trong đó, đạt 100% là 3 đầu việc, đạt từ 70 - 99% là 3 đầu việc, đạt 40 - 60% là 2 đầu việc; nhóm đầu việc về văn hóa - xã hội gồm 11 đầu việc, trong đó, đạt 100% là 9 đầu việc, đạt từ 70 - 98% là 2 đầu việc; nhóm đầu việc về quốc phòng - an ninh gồm 6 đầu việc, trong đó, đạt 100% là 4 đầu việc, đạt từ 60 - 80% là 2 đầu việc. 

Thạnh Phước có diện tích tự nhiên hơn 5.300ha, hơn 2.900 hộ dân với hơn 10 ngàn nhân khẩu. Đảng bộ xã Thạnh Phước hiện có 256 đảng viên, 14 chi bộ trực thuộc, trong đó, có 7 chi bộ ấp. Hiện có 3/7 chi bộ ấp đạt trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trong năm 2023, Đảng ủy xã Thạnh Phước đăng ký với Huyện ủy xây dựng thêm 3 chi bộ ấp theo mô hình trong sạch, vững mạnh toàn diện. Thực hiện Nghị quyết năm 2023, Thạnh Phước sẽ nỗ lực phấn đấu đến cuối năm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN