Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

06/11/2024 - 11:51

BDK.VN - Sáng 6-11-2024, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp Quốc hội.

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13-6-2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Luật đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.

Luật đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển…

Qua đó, tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc cấp bách cần phải xử lý, tháo gỡ, một số quy định trong Luật chưa đáp ứng, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đồng thời, Quốc hội cũng đã ban hành các Luật, nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới, đặc thù cho một số địa phương, dự án. Các cơ chế, chính sách này cần nghiên cứu để luật hóa.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 109 điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không thay đổi về nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019, bổ sung mới 15 điều, bãi bỏ 7 điều) quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm 5 nhóm chính sách lớn, cụ thể.

Thứ nhất, nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, đó là: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).

Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền (tại Điều 18, 30, 31).

Về bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 7 Điều 5)

Thứ hai, nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cụ thể: Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 55, Điều 60).

Nâng quy mô vốn đầu tư công: Dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành (Điều 8, 9, 10, 11).

Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý (Điều 18). Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý (khoản 8 Điều 74).

Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp (khoản 3 Điều 75)

Thứ ba, nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước, theo hướng: Cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án (Điều 16).

Cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 29). Và cho phép ngoài cơ quan chuyên môn thì bổ sung thêm Ban Quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Thứ tư, nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài). Theo đó, Chính phủ đề xuất quy định 1 chương riêng quy định về nội dung lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài…(chương IV, gồm 6 điều: từ điều 65 đến điều 70).

Thứ năm, nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể: Quy định danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm là danh mục dự kiến (Điều 53, Điều 54).

Cắt giảm thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Bổ sung quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án (Điều 58). Quy định hạn mức 20% đối với các dự án vắt qua hai kỳ trung hạn (khoản 2 Điều 98 của dự thảo Luật).

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, trong trường hợp đủ điều kiện thì Luật  Đầu tư công (sửa đổi) sẽ được thông qua theo quy trình một kỳ họp.

                                                                                      Ý Nhiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN