Quốc hội thảo luận tổ về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

14/11/2024 - 05:34

BDK.VN - Sáng 13-11-2024, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và một số nội dung quan trọng khác. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn điều hành phiên thảo luận Tổ 9.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn - chủ trì phiên thảo luận Tổ 9 vào sáng 13-11-2024.

Tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, các vấn đề được trình và thẩm tra đều là những vấn đề rất lớn, quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và đến hết kỳ quy hoạch năm 2030, bước sang kỳ quy hoạch đến năm 2035.

Do đó, đề nghị ĐBQH cố gắng tập trung cho ý kiến theo nội dung trên tờ trình, đặc biệt là Báo các thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Thứ nhất, liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đề nghị quý đại biểu trong Tổ 9 tập trung nghiên cứu và cho ý kiến về sự cần thiết của dự án; phạm vi quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ; về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính; về nguồn vốn; các chế tài, chính sách đặc thù…

Thứ hai, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ trình cũng giống như hiệu quả đang làm nếu tiếp tục đầu tư sẽ có những cách tính như: Vốn đầu tư, thuận lợi trong quá trình triển khai thêm đường băng của sân bay, các ĐBQH trao đổi thêm vì đây là dự án đang được triển khai.

Thứ ba, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, so với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở  mà Quốc hội vừa thông qua. Dự thảo Nghị quyết này có những điểm khác với luật mà trong Luật Đất đai cũng chưa quy định, chưa thống nhất khi biểu quyết thông qua Luật Đất đai năm 2024, có nhiều vấn đề trong dự án thí điểm, chưa được đưa vào.

Hiện nay, để triển khai thành một nghị quyết và có những điểm khác biệt với luật thì phải hết sức lưu ý.      

Tham gia thảo luận tại tổ, phát biểu về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH đoàn Bến Tre, đồng tình rất cao về tiêu chí, theo Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đại biểu nêu một số quan điểm cá nhân về một số nội dung sau:

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam thảo luận tại tổ sáng 13-11-2024.

Thứ nhất, về đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng của quốc gia, đại biểu cho rằng hồ sơ Chính phủ trình và các tiêu chí của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam này đáp ứng theo Điều 7 của Luật Đầu tư công và đại biểu đồng tình cao với sự cần thiết để ban hành chủ trương phê duyệt dự án này và dự án này phải được thực hiện sớm.

Đây là niềm mong ước của nhân dân cả nước để tạo điều kiện thông thoáng cho vận chuyển trong đi lại trên hành lang trục giao thông Bắc - Nam, nếu dự án được thực thi tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân trong quá trình đi lại, kinh doanh cũng như vận chuyển các hàng hóa thông thương, hàng hóa để phát triển kinh tế.

Đồng thời, tăng cường kết nối vùng miền, tạo động lực lan tỏa trên hành lang trục Bắc - Nam cũng như giúp cho việc chuyển dịch kinh tế, phân bổ dân cư và tạo động lực cho phát triển công nghiệp đường sắt, phát triển phương thức vận tải bền vững, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân được thuận tiện hơn.

Do dự án được đầu tư với quy mô lớn đi qua nhiều tỉnh, đại biểu còn băn khoăn mấy nội dung.

Thứ nhất, là do đi qua nhiều tỉnh và hiện hữu đã có hệ thống đường sắt Bắc - Nam nhưng khoảng 3.200km, như vậy việc kết nối các phương án đường sắt tốc độ cao với các đường sắt hiện hữu cũng như là các hệ thống giao thông khác, đại biểu  đề nghị Chính phủ làm rõ và đánh giá kỹ hơn.

Thứ hai, qua xem đoạn clip trình chiếu tại Nghị trường, đại biểu còn băn khoăn và đề nghị cần phân tích thêm chi phí về thời gian để tính hiệu quả bài toán về kinh tế.

Thứ ba, rút kinh nghiệm các dự án đã triển khai trước, đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thì phương án dự phòng chậm như thế nào cũng cần phải làm rõ và đánh giá có báo cụ thể hơn trong báo cáo tiền khả thi.

Thứ tư, đại biểu quan tâm đó là các chính sách đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án. Đại biểu đề nghị đối với các chính sách đặc thù cần phải rà soát, tính toán kỹ để phát huy được hiệu quả thực hiện dự án đảm bảo, mang tính khả thi, đáp ứng theo đúng mục tiêu, đúng sự mong đợi của người dân và cử tri.

Thứ năm là dự án đi qua 20 tỉnh và diện tích đất của dự án này khá lớn, tác động đến cuộc sống của người dân, đại biểu cũng đề nghị cần tính toán việc ưu tiên tạo việc làm cho nhóm kỹ sư, công nhân, người lao động và những người dân thuộc diện giải tỏa cho khu vực mà có đường sắt tốc độ cao tốc đi qua.

Thứ sáu là về môi trường, tiếng ồn trong quá trình thi công tàu đi qua, môi trường sinh thái, chuyển đổi đất cũng sẽ tác động và ảnh hưởng môi trường rất lớn, đề nghị cần phải có đánh giá, phân tích kỹ cho phù hợp.

Cuối cùng là về tổng mức đầu tư, báo cáo thẩm tra đã phân tích rất rõ và các đại biểu đánh giá cao sự kỳ công của Ủy ban Kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về khả năng vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn việc hấp thu nguồn vốn, cân đối nguồn vốn, đặc biệt tính toán kỹ dự phòng các phương án về phân bổ vốn cũng như là đối với các địa phương có dự án đi qua thì việc bố trí vốn tương ứng để đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN