Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên

30/11/2024 - 13:09

BDK.VN - Thực hiện theo Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30-11-2024, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ 96,24% đại biểu Quốc hội tán thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 179 điều, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026.

Việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, giải quyết vụ án hình sự, xử lý chuyển hướng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Luật này và theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, luật khác không trái với quy định của Luật này.

Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định những nguyên tắc cơ bản sau đây: Khi giải quyết vụ việc, vụ án có người chưa thành niên phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ. Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải bảo đảm đơn giản, thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên. Bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên.

Quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời. Bảo đảm có người đại diện tham gia trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án. Giải quyết vụ việc, vụ án có người chưa thành niên phải nhanh nhất có thể, hạn chế việc gia hạn và ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn. Biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục họ ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật và các chuẩn mực đạo đức, lối sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, có tác dụng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân.

 Người chưa thành niên là người bị buộc tội phải có người bào chữa. Người chưa thành niên khi tham gia tố tụng hình sự được trợ giúp pháp lý và phiên dịch miễn phí. Hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

Chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.  Bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến. Bảo đảm hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Bảo đảm việc thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và thi hành án phạt tù phù hợp. Bảo đảm việc tái hòa nhập cộng đồng.

Mục đích xử lý chuyển hướng là nhằm: Xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên. Giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và bị hại bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng. Hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội mới, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Các biện pháp xử lý chuyển hướng theo quy định của Luật bao gồm: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38 của Luật này; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật này;  Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 37 của Luật này có thể được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khi có đủ các điều kiện sau đây: Có chứng cứ xác định người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội; Người chưa thành niên thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội; Người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng.

Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn. Các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; tạm giữ; tạm giam; giám sát điện tử; giám sát bởi người đại diện; bảo lĩnh; đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh. Các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: áp giải, dẫn giải; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản.

                                                                               Ý Nhiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN