
Tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 (ảnh minh họa).
Nghị định được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25-11-2019 của Chính phủ; các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân.
Tại điểm h khoản 1 Điều 2 nghị định quy định: “Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Để hạn chế tình trạng chậm giải ngân tiền từ thiện, cá nhân tham gia hoạt động này còn phải tuân thủ những quy định sau: phải cam kết thời gian giải ngân từ thiện, phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú (khoản 1, Điều 17). Đồng thời, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận quyên góp, cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản tiền đóng góp.
Ngoài ra, cá nhân vận động từ thiện có trách nhiệm phải thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết. Theo quy định tại Điều 19 thì cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có); gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tin, ảnh: Đức Chính