Sáng 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với phần đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khiếu nại. Trong phần thảo luận, các đại biểu tập trung vào vấn đề khiếu nại đông người và tiếp công dân.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Trong Luật Khiếu nại, cần quy nói rõ là khiếu nại nhiều người chứ không nên viết là đông người. Một vụ việc mà có nhiều khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại chỉ tiếp nhận đơn một lần, chứ không nên tiếp nhận nhiều đơn cùng một lúc. Trong khiếu nại đông người, người khiếu nại cần xuất trình giấy tờ tuỳ thân, đơn khiếu nại.
Về vấn đề tiếp công dân, ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nêu ý kiến: Nếu một vụ việc mà có nhiều người đến khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại nên yêu cầu chỉ một người dân đại diện đứng ra khiếu nại, không nên để nhiều người cùng vào cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại một lúc, vì sẽ gây ra hiện tượng mất an ninh trật tự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trong Luật Khiếu nại cần quy định cơ quan, địa phương nêu rõ trụ sở, địa điểm, thời gian cụ thể để tiếp công dân. Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị, cần quy định cụ thể địa chỉ, địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý các vấn đề mà dân khiếu nại, tố cáo.
Cần bảo đảm quyền lợi của dân khi khiếu nại
Cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân cần thông báo sau bao nhiêu ngày là có kết quả trả lời về vụ việc khiếu nại, chứ không hứa hẹn “suông” hoặc đến hẹn mà không thấy có trả lời, khiến người dân cảm thấy bức xúc và lại gửi đơn thư khiếu nại liên tiếp.
Cơ quan có thẩm quyền cần phải có trách nhiệm trả lời đơn, thư tố cáo, khiếu nại, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của dân. Điều này cũng sẽ hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Đó là ý kiến của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị: Trong Luật Khiếu nại cần quy định rõ người dân muốn khiếu nại vấn đề gì thì phải đến đúng địa chỉ, cơ quan tiếp nhận đơn, khiếu nại. Đơn khiếu nại không thể gửi đi lung tung, tuỳ tiện ở nhiều cơ quan.
Cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại của dân phải có trách nhiệm gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền trả lời đơn khiếu nại và theo dõi sự phản hồi của cơ quan trả lời đơn khiếu nại đó. Cần thông báo cụ thể vấn đề khiếu nại đó sẽ có kết quả trả lời trong thời gian ít nhất là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng… Khi có kết quả trả lời đơn, thư khiếu nại, cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại cần thông báo sớm nhất cho người dân, tránh hiện tượng cán bộ, nhân viên cố tình găm giữ kết quả, gây khó khăn cho dân, dẫn đến khiếu nại vượt cấp, gây mất thời gian, kinh phí, bức xúc trong nhân dân.
Chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc với phần cho ý kiến vào Luật Tố cáo./.