Quyền được mở lối đi qua bất động sản liền kề

28/05/2023 - 17:47

Bà Nguyễn Thị Hỷ có nhu cầu tư vấn: Năm 2019, tôi mua 2.000m2 đất vườn của ông N., đất này nằm bên trong đất của ông C., có một đường đi rộng khoảng 1,4m, dài hơn 70m. Tôi đi đường này vào chăm sóc vườn bình thường. Đầu tháng 10-2022, ông C. không cho tôi đi trên đường này nữa và bảo tôi tìm lối đi khác. Tôi hỏi thì ông N. cho rằng, trước đây ông C. có thỏa thuận cho ông đi trên đường này. Xin hỏi, tôi có thể khởi kiện yêu cầu ông C. mở lối đi hay không và phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Khoản 1, Điều 254 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu có bất động sản (BĐS) bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”.

Điều luật quy định: Lối đi được mở trên BĐS liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi. Chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 254 BLDS thì vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

Theo Điều 171 Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề: “1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của luật này”.

Căn cứ quy định của các điều luật nêu trên, thì quyền về lối đi qua là một trong những quyền đối với BĐS liền kề, được pháp luật quy định rất cụ thể. Do vậy, nếu gia đình bà không có lối đi nào khác ra đường công cộng, thì thuộc trường hợp được hưởng quyền này.

Ngoài ra, ông N. cho rằng, trước đây ông C. có thỏa thuận cho ông đi trên lối đi này. Do vậy, gia đình bà còn được hưởng quyền chuyển giao quyền về lối đi và ông C. phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quyền về lối đi cho bà theo quy định tại Điều 247 BLDS: “Quyền đối với BĐS liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi BĐS được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.

Nếu hai bên không thỏa thuận được, bà có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND xã (phường) nơi có đất tranh chấp. Nếu hòa giải không thành, bà có quyền nộp đơn khởi kiện tại tòa án cấp huyện (nơi có đất tranh chấp) theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

Trường hợp khởi kiện tại tòa án, bà cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết gồm: Đơn khởi kiện theo mẫu và phải thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự. Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của bà bị xâm phạm (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hợp đồng mua bán, chuyển nhượng phần đất mà bà đã mua; bản đồ đo đạc về ranh giới, mốc giới thửa đất của bà…).

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích