Quyết tâm cao trong năm hành động

06/02/2017 - 07:27

Hàng năm, Hội LHPN các cấp vận động hội viên tiếp tục học tập và làm theo gương Bác qua phong trào phụng dưỡng mẹ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: T. Long

Năm 2016 đã khép lại với niềm phấn khởi của năm khởi động khá thành công của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà. Để có được kết quả này, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy là sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. 

Trong khí thế hân hoan của những ngày đầu Xuân Đinh Dậu 2017, năm mà Tỉnh ủy xác định là năm hành động để làm tiền đề cho những năm tiếp sau của nhiệm kỳ 2015 - 2020, lãnh đạo các đoàn thể đã thể hiện sự quyết tâm cao, bắt tay vào thực hiện từng công việc cụ thể.

Năng động trong thực hiện nhiệm vụ

Năm 2016, Hội Cựu chiến binh tỉnh xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình khu dân cư “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, nghĩa tình” mà Ban Thường vụ Tỉnh hội xây dựng và cụ thể hóa từ 113 đầu việc của Tỉnh ủy đề ra trong thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh hội tiếp tục quan tâm thực hiện hai mô hình hiệu quả là mô hình “5 +1” để giúp nhau vươn lên xóa nghèo, làm giàu và xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội. Hiện, các cấp hội trên toàn tỉnh đã xây dựng và củng cố 990 mô hình “5+1”. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh các cấp đã xây dựng được 177 tổ hợp tác sản xuất và đi vào hoạt động hiệu quả, trong đó chủ yếu là nuôi dê sinh sản, nuôi bò sinh sản. Trong năm, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã vận động xây dựng được 191 căn nhà Nghĩa tình đồng đội, với tổng kinh phí là 8,62 tỷ đồng, đạt 127,33% so với kế hoạch năm; đã bàn giao 172 nhà, còn 19 nhà đang xây dựng. Đầu năm 2017, Hội tiến hành ký kết giao ước thi đua là 150 căn nhà.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Trần Quốc Việt cho biết: “Qua thời gian thực hiện, mô hình “5+1” đã thành công trong việc giúp nhau làm kinh tế đối với hội viên nghèo. Trên nền tảng đó, trong năm 2017, chúng tôi sẽ tập trung hơn để phát triển các tổ hợp tác sản xuất, bởi loại hình này sẽ phát huy được hiệu quả. Hội viên là hộ nghèo khi tham gia vào tổ hợp tác sẽ được hỗ trợ từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm. Các thành viên trong tổ hợp tác cũng sẽ có điều kiện gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết. Cùng với nhiệm vụ này, Hội đã ký kết Kế hoạch liên tịch thực hiện chương trình phối hợp giữa Công an tỉnh với Hội Cựu chiến binh tỉnh về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Trong đó, các cấp hội tập trung phối hợp thực hiện kéo giảm tỷ lệ người nghiện ma túy ở địa phương, buôn bán ma túy trái phép, nhận quản lý 100% đối tượng được đặc xá khi trở về nơi cư trú.

Phong trào thanh niên khởi nghiệp là điểm nhấn, đột phá

Năm 2016, công tác Đoàn của tỉnh đón làn gió mới khởi nghiệp (KN) đã và đang làm thay đổi nội dung, hình thức hoạt động tổ chức Đoàn. Theo đó, công tác truyền thông KN được hình thành. Khởi đầu với những cuộc gặp gỡ, truyền cảm hứng của lãnh đạo tỉnh với cán bộ Đoàn; các buổi gặp gỡ giữa Bí thư Tỉnh Đoàn với đoàn viên, sinh viên; 3 diễn đàn Đồng khởi KN được tổ chức quy mô lớn; các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm KN, kiến thức KN giữa thanh niên với chuyên gia kinh tế, chuyên gia KN trong và ngoài nước, kế đến là các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp hào hứng; đặc biệt là tổ chức được hoạt động tập huấn truyền thông KN cho đội ngũ báo cáo viên truyền thông và hơn 200 cán bộ Đoàn cơ sở, đây được xem là lực lượng nòng cốt thực hiện truyền thông KN 2017 trong thanh niên.

Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: Hưởng ứng phong trào Đồng khởi KN, làm giàu, thoát nghèo của tỉnh, việc chọn nội dung đồng hành giúp thanh niên KN bổ sung vào nội dung phong trào đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp đã giúp bắt đúng mạch nhu cầu của thanh niên Bến Tre. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tranh thủ Quỹ đầu tư KN của tỉnh hỗ trợ cho hai mô hình thanh niên KN với kinh phí hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh các hoạt động truyền thông KN là nhiều hình thức khuyến khích tinh thần sáng tạo KN, mở rộng nguồn vốn Chương trình KN, lập nghiệp thanh niên nông thôn; kết nối thanh niên có cơ sở sản xuất với doanh nghiệp đến nay đã hình thành cơ bản 3 nhóm thanh niên nòng cốt có khả năng KN, thành lập doanh nghiệp.

“Năm 2017, là năm tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bến Tre lần thứ X và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa chương trình vào Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, đồng hành cùng thanh niên, tiếp sức cho thanh niên mạnh dạn dấn thân KN. Trong đó sẽ tập trung cho các hoạt động truyền thông KN, đặc biệt là huấn luyện, bồi dưỡng các nhóm truyền thông cho từng đối tượng trong học sinh, sinh viên; thanh niên nông thôn, thanh niên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp. Hiện tại, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tham mưu cho Hội đồng Tư vấn KN tỉnh tổ chức thi tìm kiếm ý tưởng và dự án KN, dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2017. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với các nguồn quỹ hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, mô hình thanh niên KN; hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp”-  Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thị Hồng Nhung nhấn mạnh.

Phụ nữ đoàn kết, năng động, đổi mới

Đánh giá của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, trong năm qua, kết quả đạt được quan trọng nhất là việc vận động hội viên phụ nữ trang bị dụng cụ chứa nước ngọt ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chủ trương trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt và thực hiện nội dung “3 sạch” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Các cấp Hội đã năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức thực hiện, cụ thể như: thành lập các tổ góp vốn tương trợ xoay vòng; liên kết với các cơ sở cung cấp bồn chứa nước, cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng bán trả góp tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, khó khăn và vận động mạnh thường quân… xây dựng gần 26 ngàn dụng cụ chứa nước (bồn chứa, ống hồ, khoan giếng...), tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Hội phụ nữ cơ sở đã vận động gần 16 ngàn chị khá giúp 8.500 chị nghèo có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá quy thành tiền trên 9 tỷ đồng. Bằng nhiều hình thức, Hội phụ nữ cơ sở đã giúp 18.919 phụ nữ nghèo làm chủ hộ (100%), trong đó đặc biệt quan tâm 12.711 hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo và hỗ trợ 35.777 phụ nữ trong các hộ nghèo (82%). Kết quả cuối năm 2016, có 1.910 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, đạt 15,03%/tổng số hộ có điều kiện thoát nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thanh Thảo cho biết: “Hội LHPN tỉnh tiếp tục xác định chủ đề năm 2017 “Phụ nữ Bến Tre đoàn kết, năng động, đổi mới thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trong đó tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ: Phong trào thi đua “Phụ nữ Bến Tre tự tin KN, làm giàu thoát nghèo bền vững”; thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Bến Tre đảm đang, xây dựng gia đình hạnh phúc”; thực hiện khâu đột phá “Nâng chất lượng đội ngũ cán bộ hội cơ sở, xây dựng tổ chức hội vững mạnh”. Điểm nhấn trong năm 2017 là các cấp hội triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Chắp cánh phụ nữ Bến Tre KN, khởi sự kinh doanh, làm giàu thoát nghèo bền vững” thông qua các hoạt động đào tạo nghề, vận động nguồn lực, tạo việc làm, nâng cao chất lượng và mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với nội dung trọng tâm xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó có kế hoạch, giải pháp cụ thể, phối hợp với các đoàn thể tập trung hỗ trợ những tiêu chí khó thực hiện.

Giúp người nông dân tạo ra sản phẩm có chất lượng

Nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh là bên cạnh củng cố tổ chức hội là việc không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân. Các hoạt động của Hội trong năm 2016 cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Bằng nhiều phương thức, thông qua xây dựng mô hình phát triển kinh tế, mô hình giảm nghèo, dự án cải tạo vườn tạp… các cấp hội đã kéo giảm 1.477 hội viên thuộc dạng hộ nghèo trong năm. Đề ra chỉ tiêu trong năm 2017, số hộ nghèo được kéo giảm là 1.900.

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Trung cho biết: Trong giai đoạn này người nông dân cần cập nhật kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt là khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cho 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; trong đó có nêu 6 giải pháp cụ thể để thực hiện. Trên tinh thần đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ xem xét và chọn điểm để xây dựng Chi hội nghề nghiệp nhằm tập hợp nông dân có cùng chung mặt hàng nông sản trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và tạo ra sản lượng lớn. Các cấp hội tập trung xây dựng mô hình nông dân làm kinh tế giỏi đạt 1 tỷ đồng/năm hay mô hình nông dân làm vua sản phẩm. Hình thành các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất theo Nghị định số 151 của Chính phủ, từ đó vận động nông dân và phát triển thành hợp tác xã. Trong năm 2017, Hội sẽ phối hợp với ngành chức năng xây dựng một hợp tác xã sản xuất 1 trong 8 sản phẩm nông nghiệp mà Tỉnh ủy đề ra trong Nghị quyết, gồm: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển.

Bước sang năm mới, với sự quyết tâm chính trị cao trong thực hiện nhiệm vụ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể với tâm thế “đồng lòng, đồng loạt, đồng bộ” sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra trong năm hành động 2017.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN