
Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập
Sách “Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập” do Th.s Vũ Thị Kim Yến và Nguyễn Văn Dương biên soạn. Sách cung cấp cho bạn đọc tư liệu nghiên cứu về giai đoạn có tính bước ngoặt trong lịch sử dân tộc nói chung, về những giờ phút trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.
Nội dung sách gồm ba phần: phần I: Bối cảnh ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập; phần II: Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - Ý nghĩa, giá trị và sự trường tồn; phần III: Những câu chuyện kể, những hồi ức về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập. Sách dày 119 trang, do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2009, gồm nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, các chính trị gia về ý nghĩa, giá trị và sự trường tồn của Tuyên ngôn độc lập.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của Bản Tuyên ngôn độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.
Phần III của cuốn sách là những câu chuyện được ghi nhận lại từ nhiều nhân chứng của thời điểm lịch sử mùa Thu năm 1945. Hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên” của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về những ngày Bác Hồ ở lại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội để chuẩn bị cho ngày ra mắt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cũng là giai đoạn Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập. Cùng một số mẩu chuyện khác bên lề sự kiện trọng đại của dân tộc, tập sách góp phần cho bạn đọc, thế hệ trẻ hình dung lại một thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước với những con người lịch sử đã làm nên lịch sử.
Thư ký Bác Hồ kể chuyện
Được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, được làm việc với Người là một vinh dự và hạnh phúc lớn. Ông Vũ Kỳ là người có được vinh dự và may mắn đó khi được Trung ương chọn làm thư ký riêng cho Bác Hồ ngay sau những ngày đầu thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến ngày Bác ra đi. Kể lại trong “Nhớ mãi những giờ phút đầu tiên”, khi lần đầu gặp Bác Hồ, ông Vũ Kỳ nói: “Tôi bàng hoàng. Từ đột ngột đến bàng hoàng. Mà không bàng hoàng sao được!… Thế là tôi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hình ảnh thiêng liêng đối với lớp đảng viên trẻ chúng tôi hồi trước cách mạng mà trong những ngày ở tù Hỏa Lò, đêm đêm tôi vẫn thường mơ. Nguyễn Ái Quốc trong đời thực, khác hẳn với Nguyễn Ái Quốc trong mơ. Hiền từ và vô cùng giản dị”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết đôi lời đầu sách thế này: “Ông Vũ Kỳ là một pho sách lớn, trong đó có rất nhiều ký ức về Cụ Chủ tịch nước ở trong một thời kỳ đầy gian khổ cũng là vô cùng vẻ vang và nhiều chất liệu sống… Và dường như tất cả những gì ông làm đến cuối đời đều gắn với khoảng đời ông đã sống gần Cụ Hồ. Ông nối dài ký ức của riêng mình thành ký ức của xã hội…”.
Tập sách “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản lần thứ ba năm 2009, dày 587 trang, gồm 6 phần về: Bác Hồ từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc, Khi người Việt Nam đầu tiên vào điện Kremlin, Người suy nghĩ về tuổi trẻ chúng ta, Những bức thư kể chuyện Bác Hồ, Chuyện kể về Bác Hồ, Bác Hồ viết Di chúc.
Sách tập hợp các bài viết của ông Vũ Kỳ về những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng được làm việc với Bác Hồ, thể hiện tình cảm yêu kính, ngưỡng mộ và cảm phục của tác giả và cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Người. Hình ảnh Bác Hồ được tái hiện đầy cảm xúc qua lời kể của ông Vũ Kỳ. Mỗi câu chuyện là một bài học sinh động, chân thực về tấm gương đạo đức và tư tưởng của Bác.
Hạnh Linh