Sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ

24/07/2024 - 05:28

BDK - Những năm qua, nhiều nông dân tại xã An Hòa Tây (Ba Tri) đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, công chăm sóc và nhu cầu thị trường, giúp có nguồn thu nhập ổn định. Điển hình là hộ ông Bùi Văn Thơ, 64 tuổi, ngụ ấp An Bình 2, đã tiên phong trong việc lựa chọn mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vườn rau hữu cơ tại hộ của ông Bùi Văn Thơ, ấp An Bình 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri.

Với diện tích hơn 2 công đất vườn, thay vì trồng cây ăn quả, ông Thơ chọn trồng các loại rau ăn lá như rau muống, cải xanh và ngò rí. Ông còn luân canh nhiều loại cây màu khác nhau như ớt, đậu bắp và cà tím, đảm bảo ngày nào gia đình ông cũng có rau sạch để bán (khoảng 70 - 100kg, tùy theo nhu cầu khách hàng). Ông Thơ cho biết, do diện tích đất canh tác ít, trồng rau hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian sinh trưởng ngắn (25 - 28 ngày) và năng suất cao. Mỗi ngày, gia đình ông thu nhập từ 300 - 500 ngàn đồng từ việc bán rau.

Ông Thơ chia sẻ, trồng rau hữu cơ không khó, quan trọng là khâu chọn giống và xử lý đất. Trước khi trồng lứa mới, cần cày xới đất thật tơi xốp và phơi từ 5 - 7 ngày để rau ít bị bệnh và không cần dùng thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn cho canh tác và người tiêu dùng. Phân bón sử dụng chủ yếu là phân gà ủ hoai hoặc phân vi sinh DAB. Ông Thơ nhấn mạnh khó khăn lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm, mong muốn các hộ trồng rau hữu cơ liên kết thành lập tổ hợp tác (THT) để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, cây giống và đảm bảo đầu ra ổn định, tránh bị thương lái ép giá.

Từ yêu cầu thực tiễn đó, vào năm 2018, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ các hộ nông dân ở ấp An Bình 2, An Phú 2 và An Phú 1 thành lập THT trồng rau hữu cơ “Hữu Nhiên”. THT này hoạt động trên diện tích 8.000m², với 9 thành viên, chuyên sản xuất các loại rau ăn lá như: rau má, rau ngò, cải xanh và mồng tơi… đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sạch theo yêu cầu của các nhà tiêu thụ. Trung bình mỗi tháng, THT thu về trên 60 triệu đồng, với lợi nhuận khoảng 40 - 45 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của THT đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2020 và tái chứng nhận vào năm 2022. Song song với hướng mở rộng THT, Hội Nông dân xã An Hòa Tây đặt ra mục tiêu sẽ đồng hành cùng nông dân tại địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và an toàn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng; đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội đã triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ, không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, thay vào đó là phân hữu cơ và các chế phẩm tự nhiên, sinh học để phun xịt cho cây trồng. Đây là một mô hình sản xuất bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.

Kể từ khi tham gia THT, đầu ra sản phẩm của hộ ông Bùi Văn Thơ nói riêng và các hộ dân khác nói chung luôn ổn định, giá rau bán ra cũng cao hơn so với trước đây. Ông Thơ chia sẻ: “Bên cạnh cải thiện về đầu ra và giá bán, hàng tháng, Hội Nông dân xã còn mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau hữu cơ hiệu quả, cách đối phó với các loại sâu bệnh, giới thiệu giống rau và các loại phân bón mới. Ngoài ra, kể từ khi có THT, bà con có điều kiện để chia sẻ với nhau các kiến thức trồng rau đạt chất lượng, được đi đây đi đó học hỏi nhiều kỹ thuật mới…”.

“THT trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ tại xã An Hòa Tây là mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ cố gắng vận động nông dân tham gia THT nhiều hơn nữa để nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này, góp phần cải thiện thu nhập của người dân tại địa phương”.

(Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa Tây Nguyễn Hữu Nhân)

Bài, ảnh: Bảo Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN