Sớm ban hành hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người dân bị tác động bởi các công trình điện gió trên bờ và sớm sửa chữa, nâng cấp các đoạn trên các tuyến quốc lộ 57, 57B, 57C

20/11/2023 - 12:56

BDK.VN - Sáng 20-11-2023, tiếp tục Chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại hội trường về việc giải quyết kiến nghị của cử tri sáng 20-11-2023

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại hội trường về việc giải quyết kiến nghị của cử tri sáng 20-11-2023.

 

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bến Tre đã kiến nghị về hai vấn đề bức xúc được cử tri và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Bến Tre quan tâm. Về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ và tình trạng xuống cấp của các đoạn trên tuyến quốc lộ (QL) 57, 57B, 57C đi qua địa bàn tỉnh.

Đại biểu cho biết, thời gian qua, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận, tổng hợp nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Qua theo dõi, đa số ý kiến của cử tri được các bộ, ngành Trung ương rất quan tâm, trả lời kịp thời và có trách nhiệm như: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… Thay mặt cho cử tri tỉnh nhà, đại biểu trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã dành nhiều thời gian, công sức cho việc tiếp nhận, tổng hợp, chuyển, giải quyết và giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước nói chung, trong đó có cử tri tỉnh Bến Tre thời gian qua.

Tuy nhiên, qua theo dõi, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy vẫn còn một số vấn đề mà cử tri tỉnh Bến Tre đã kiến nghị nhiều lần, mặc dù đã được các cơ quan phản hồi nhưng chưa được giải quyết trên thực tế.

Vấn đề thứ nhất, hiện nay, một số người dân đang bức xúc và chính quyền địa phương đang lúng túng trong xử lý là vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương có quy định về hành lang an toàn của cột tháp gió và công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m, tuy nhiên, chưa có quy định, hướng dẫn việc nhà ở, công trình kiến trúc, vật nuôi có được phép tồn tại trong hành lang an toàn của cột tháp gió hay không và cũng không quy định cụ thể thế nào là khu dân cư... Sau khi các dự án điện gió trên bờ hoàn thành đi vào hoạt động, đã phát sinh khiếu nại của người dân về vấn đề bồi thường, hỗ trợ cây cối, hoa màu, nhà cửa trong hành lang an toàn trụ tháp gió, tiếng ồn do cánh quạt và tua bin điện gió gây ra... mà địa phương chưa có phương án giải quyết dứt điểm do không có cơ sở để thực hiện đền bù.

Vấn đề này, UBND tỉnh Bến Tre đã gửi văn bản về Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an để xin ý kiến; đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng gửi về Ban Dân nguyện để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy các bộ, ngành này cũng đã quan tâm có văn bản trả lời nhưng chưa tháo gỡ được khó khăn trên thực tế.

Trong lần trả lời gần nhất, ngày 15-3-2022, Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 545 trả lời cho UBND tỉnh Bến Tre, theo đó, đề nghị tỉnh xem xét áp dụng quy định tại Điều 94 Luật Đất đai và Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ để giải quyết việc bồi thường. Tuy nhiên do Điều 94 Luật Đất đai và Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP là các quy định chung cho các trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ; còn thiệt hại do công trình điện gió thì chưa có cơ sở pháp lý, hướng dẫn để đánh giá thiệt hại, tính toán, đề xuất mức bồi thường... Nên địa phương cũng chưa thể ban hành quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất từ các dự án điện gió trên bờ.

Liên quan vấn đề này, tại Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2-2023 có đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn (ngoài các công trình công cộng, quốc phòng, an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành). Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật, đề nghị Chính phủ giao bộ, ngành hữu quan khẩn trương tham mưu, trình Chính phủ có hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của Nhà máy điện gió. Giao bộ, ngành hữu quan nghiên cứu về tác động của cánh quạt tua bin điện gió và tiếng ồn của tua bin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng cách của cột tháp gió nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống và sức khỏe của người dân và đảm bảo an toàn đối với công trình điện gió”. Tuy nhiên đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ là vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Bến Tre mà còn một số địa phương khác. Các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa đủ để áp dụng giải quyết thỏa đáng vấn đề trên. Việc UBND cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể gặp khó khăn do các hạn chế về trình độ chuyên môn, trang thiết bị, các cơ quan tham mưu chưa đủ sức đánh giá, tính toán các thiệt hại do công trình điện gió gây ra; hơn nữa, nếu giao về cho địa phương quy định thì mỗi nơi sẽ đền bù mỗi khác, gây ra sự so bì của người dân.

Từ thực tế khó khăn của tỉnh, bức xúc của cử tri và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ kịp thời có văn bản hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió, thiệt hại từ tiếng ồn do công trình điện gió gây ra, để làm cơ sở cho địa phương giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã được phê duyệt theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, kiến nghị bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng các công trình năng lượng tái tạo vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình tại Kỳ họp để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ áp dụng thực hiện trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai, hệ thống đường bộ chính của tỉnh Bến Tre gồm 4 tuyến QL chạy qua trung tâm các huyện, thành phố. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải nên hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, nhiều nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn nhận được phản ánh của cử tri về tình trạng xuống cấp của các đoạn trên tuyến QL 57, 57B, 57C. Việc đi lại của người dân mà đặc biệt là các em học sinh trong thời gian qua gặp vô vàn khó khăn và nguy hiểm bởi có rất nhiều ổ voi chứ không chỉ là ổ gà.

Do khó khăn về nguồn vốn nên các dự án đầu tư nâng cấp các tuyến QL này chưa đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, hàng năm, Bộ Giao thông vận tải có phân bổ nguồn vốn để bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thực hiện duy tu, sửa chữa cũng không nhiều, việc dặm vá không giải quyết được dứt điểm cái gốc của vấn đề nên không lâu lại tiếp tục hư hỏng, gây lãng phí, tạo bức xúc cho người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đây là điều mà ĐBQH của tỉnh nhiều nhiệm kỳ cảm thấy băn khoăn, áy náy và day dứt vì thấy mình còn nợ với cử tri.

Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình sửa chữa khẩn cấp trong năm 2024 - 2025 đối với các đoạn tuyến trên các QL bị hư hỏng nghiêm trọng. Cụ thể là sửa chữa QL 57 đoạn từ cầu Ván đến ngã ba Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; QL 57B đoạn từ cầu An Hóa đến Khu công nghiệp Phú Thuận và đoạn từ km57 đến km65 trên địa bàn huyện Bình Đại. Đồng thời, kiến nghị đưa các công trình nâng cấp, mở rộng các tuyến QL này vào Danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và sự trông chờ lâu nay của bà con cử tri, tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ngành giao thông trong việc chăm lo cho cuộc sống, sự an toàn trong đi lại của người dân.

Tin, ảnh: Văn Định

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN