Hiện tại, theo đánh giá của ngành chức năng, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt từ 30 đến 40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Kông ở mức rất thấp. Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng, bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện chỉ mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 23 tỷ m3 nước, và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước.
Cùng với đó, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy điện thượng nguồn hiện đang ở mức thấp và có khả năng sẽ tăng cường tích nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các thượng nguồn sông Mê Kông nên tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021 có khả năng thiếu hụt từ 20 đến 35% so với trung bình nhiều năm.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 36, yêu cầu các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm chủ động vào cuộc để ứng phó trước nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 sắp tới. Chính quyền các địa phương và nhân dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thông tin dự báo khí tượng thủy văn tình hình xâm nhập mặn và có kế hoạch ứng phó phù hợp thực tế địa phương. Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, có giải pháp dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Đồng thời thực hiện sớm việc nạo vét kênh, ao, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó cần kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang nông thôn, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, tăng cường sử dụng các thiết bị phục vụ cấp nước và trữ nước hộ gia đình. Đối với các vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng cần chủ động cân đối nguồn nước, thực hiện bố trí cơ cấu vụ mùa gieo trồng phù hợp.
Thanh Đồng