Sớm hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc trong lập quy hoạch và quản lý doanh nghiệp

11/05/2025 - 16:27

BDK.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 10-5-2025, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội ĐBQH tỉnh Bến Tre có ý kiến về các nội dung: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; (2) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; (3) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi thảo luận Tổ.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp: Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang phát sinh trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Đồng thời, việc này còn đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền. Hiện nay, Việt Nam đã bị Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đưa vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám) và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục do FATF đề ra trong vòng 2 năm, tính đến tháng 5 năm 2025. Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý. Các sửa đổi này cũng góp phần thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021–2025, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và cam kết của Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án luật, đại biểu có một số ý kiến đóng góp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại điểm d khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật về bổ sung khoản 35 của Điều 4, giải thích: “Kê khai khống vốn điều lệ là một trong các hành vi sau:a) Kê khai số vốn điều lệ khi đăng ký thành lập nhưng không góp đủ số vốn đã cam kết và không đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định; b) Kê khai số vốn điều lệ đăng ký thay đổi lớn hơn số vốn thực góp vào doanh nghiệp”. Đại biểu đồng tình với việc bổ sung nội dung này nhằm làm rõ và minh bạch hóa hành vi vi phạm trong quản lý vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và hiệu lực thực thi trên thực tế, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về biện pháp xử lý và chế tài đối với các hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn đã đăng ký, hoặc cố tình định giá sai lệch giá trị tài sản góp vốn. Những quy định này sẽ góp phần ngăn ngừa hành vi gian lận, nâng cao tính tuân thủ pháp luật và bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý thuế của nhà nước.

Thứ hai, tại Điều 2 dự thảo Luật về điều khoản chuyển tiếp có quy định: “Đối với các doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì việc kê khai bổ sung thông tin chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp được thực hiện đồng thời tại thời điểm doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký thay đổi gần nhất”. Đại biểu đánh giá quy định yêu cầu doanh nghiệp kê khai bổ sung thông tin chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thay đổi gần nhất là phù hợp và có tính thực tiễn. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bắt buộc và tránh tình trạng doanh nghiệp chậm trễ hoặc cố tình không thực hiện việc kê khai, đại biểu Yến Nhi đề xuất cần quy định rõ thời hạn tối đa phải hoàn thành kê khai (ví dụ: trong vòng bao nhiêu tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực). Việc này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và phục vụ hiệu quả công tác xác minh, theo dõi thông tin về doanh nghiệp.

Thứ ba, bên cạnh các nội dung sửa đổi được đề xuất trong Dự thảo, vẫn còn một số quy định trong Luật Doanh nghiệp hiện hành đang bộc lộ bất cập nhưng chưa được đề cập điều chỉnh, cần được tiếp tục xem xét, bổ sung:

Tại khoản 2 Điều 17 của Luật hiện hành quy định về các đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát đầy đủ các hành vi vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch, công bằng trong môi trường kinh doanh. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, như trốn thuế hoặc nợ thuế kéo dài. Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm nghĩa vụ thuế đang có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và quy mô ngày càng lớn, gây thất thu nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước. Việc bổ sung quy định này không chỉ góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách mà còn nâng cao kỷ cương pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại Điều 42, Luật Doanh nghiệp quy định: “Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có)”. Tuy nhiên, điều luật này không đề cập đến việc yêu cầu các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với địa chỉ trụ sở khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế hiện nay, có không ít cá nhân và tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng lại sử dụng địa chỉ không có thực hoặc địa chỉ nhà riêng của người dân. Thêm vào đó, số điện thoại của công ty có thể không liên lạc được hoặc không tồn tại, điều này tạo ra không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác hậu kiểm sau khi doanh nghiệp được đăng ký. Vì vậy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị xem xét nghiên cứu và bổ sung quy định cụ thể về việc yêu cầu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính minh bạch và dễ dàng kiểm tra trong quá trình giám sát, quản lý doanh nghiệp.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch: Đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Quy hoạch sau gần 08 năm triển khai thực hiện. Thực tiễn cho thấy, công tác quy hoạch đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển không gian quốc gia, tạo nền tảng cho hoạch định chính sách và thu hút nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số yếu tố mới phát sinh đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch. Cụ thể, việc triển khai chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, đặc biệt là việc không tổ chức cấp huyện, sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ hệ thống quy hoạch các cấp. Do đó, cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm bảo đảm sự phù hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời giữ vững tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch quốc gia.

Bên cạnh những nội dung sửa đổi trong dự thảo luật, đại biểu cũng có một số góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật về quy hoạch như sau:

Thứ nhất, tại Điều 1 của Dự thảo Luật, hiện chưa có quy định về khoản 1, trong khi nội dung bắt đầu từ việc “Sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3”. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung khoản 1 vào trước nội dung nêu trên để đảm bảo tính logic, đầy đủ và chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp trong cấu trúc văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, tại khoản 5 Điều 2 dự thảo Luật quy định: “Việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thực hiện hoặc bị tác động bởi việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều này và thực hiện như sau:

a) Việc lấy ý kiến về điều chỉnh quy hoạch bao gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương;

b) Trường hợp thẩm định theo hình thức họp Hội đồng thẩm định thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật Quy hoạch. 

Trường hợp lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản, cơ quan lập quy hoạch lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan”.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đề nghị bổ sung nội dung sau vào cuối khoản này: “Báo cáo thẩm định điều chỉnh quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định hoặc ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan về việc quy hoạch điều chỉnh đã đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình phê duyệt”. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng trong quy trình thẩm định, đồng thời tạo căn cứ pháp lý cụ thể để cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện hồ sơ và triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật.

Tương tự như quy định tại khoản 5 Điều 2 của Dự thảo Luật về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, các khoản 6, 7, 8 và 9 cũng quy định về việc điều chỉnh các loại quy hoạch khác, bao gồm: quy hoạch không gian biển quốc gia (khoản 6), quy hoạch ngành quốc gia (khoản 7), quy hoạch vùng (khoản 8) và quy hoạch tỉnh (khoản 9). Để đảm bảo sự thống nhất trong quy trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Yến Nhi đề nghị bổ sung nội dung sau vào cuối các khoản nêu trên hoặc bổ sung chung thành một quy định áp dụng cho cả các khoản này: “Báo cáo thẩm định điều chỉnh quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định hoặc ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan về việc quy hoạch điều chỉnh đã đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình phê duyệt”. Quy định này sẽ giúp cơ quan lập quy hoạch có căn cứ cụ thể để hoàn thiện hồ sơ và thực hiện các bước tiếp theo theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Thứ ba, đối với Luật Quy hoạch hiện hành, vẫn còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cụ thể như sau:

Tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật hiện hành về chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch, quy định như sau:“3. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; 4. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch; 5. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch”. Đại biểu cho rằng, các quy định trên chỉ dừng lại ở việc khẳng định Nhà nước “ban hành chính sách” mà chưa xác định rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính trong việc xây dựng, ban hành hoặc hướng dẫn triển khai các chính sách này. Đồng thời, Điều 10 cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết, dẫn đến việc thiếu căn cứ pháp lý cụ thể để tổ chức thực hiện, gây lúng túng và chậm trễ trong quá trình triển khai trên thực tế. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng làm rõ cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm tham mưu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách theo từng nội dung cụ thể nêu tại các khoản hoặc bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất cho việc triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn.

Về quy trình lập quy hoạch tại Điều 16 của Luật Quy hoạch, đối với các loại quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia (khoản 1) và quy hoạch vùng (khoản 3), hiện nay tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 16 đều quy định: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan lựa chọn tổ chức tư vấn để xây dựng các nội dung quy hoạch đã được phân công và tổ chức thẩm định các nội dung này trước khi gửi cơ quan lập quy hoạch”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật Đầu tư công về “Đầu tư thực hiện nhiệm vụ quy hoạch”, ngân sách đầu tư công chỉ được phân bổ cho nhiệm vụ “lập quy hoạch” và không bao gồm nhiệm vụ “xây dựng các nội dung quy hoạch”. Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa hai luật, gây lúng túng trong triển khai thực hiện khi không thể bố trí kinh phí từ ngân sách đầu tư công để thực hiện việc “xây dựng các nội dung quy hoạch” như quy định trong Luật Quy hoạch. Vì vậy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị cần sớm rà soát, đối chiếu giữa Luật Đầu tư công và Luật Quy hoạch để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện quy trình lập quy hoạch.

 

                                           Tin, ảnh: Kim Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN