Sơn Phú tổ chức tọa đàm bàn giải pháp xây dựng nông thôn mới, nhất là những tiêu chí chưa đạt.
Đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới
Theo Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Thúy Hằng: Thời gian qua, Ban chỉ đạo xã đã tập trung lãnh đạo tổ chức triển khai các mặt công tác xây dựng NTM đến tất cả các thành viên, các tổ chức đoàn thể, các ấp. Song song đó, xây dựng kế hoạch, phân công giao việc cụ thể theo chỉ tiêu từng TC cho các thành viên trong Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ phù hợp. Phối hợp với các ngành, đoàn thể, các ấp tuyên truyền ra đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân để cùng phối hợp thực hiện gắn với 15 phần việc thuộc hộ gia đình. Tổ chức tọa đàm gắn với thực hiện mô hình dân vận khéo về xây dựng giao thông nông thôn, vận động người dân sử dụng nước máy, xây dựng hố xí tự hoại, hầm biogas, tuyến đường hoa, mô hình dân vận chính quyền…
“Với những cách làm như trên, qua đánh giá bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, Sơn Phú đạt 12/19 TC gồm: TC số 1, 3, 4, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 15 và 19. Còn lại 7 TC chưa đạt gồm: TC số 2 giao thông, TC số 5 trường học, TC số 6 cơ sở vật chất văn hóa, TC số 13 tổ chức sản xuất, TC số 16 văn hóa, TC số 17 môi trường và TC số 18 hệ thống chính trị” - bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết thêm.
Về những TC chưa đạt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Huỳnh Văn Dũng nhận định: Đối với TC số 2 giao thông, xã đang thi công đoạn đường ấp Phú Hòa, Long Hiệp, khi thi công xong TC này sẽ đạt. TC số 5 trường học, trường tiểu học còn thiếu các phòng chức năng, hiện nay đang thi công trường THCS. TC số 6 cơ sở vật chất văn hóa, xã chưa xây dựng hội trường đa năng, còn 3 ấp chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn. Riêng TC số 13 hình thức tổ chức sản xuất, xã đã vận động thành lập các tổ hợp tác sản xuất và đang vận động nhân sự thành lập hợp tác xã và tham gia hợp tác xã nông nghiệp.
“Thời gian qua, từ xã đến ấp quyết tâm cao trong thực hiện TC môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra. Kết cấu hạ tầng - xã hội nông thôn phát triển nhưng chưa đồng bộ. Vai trò chủ thể của người dân ở một số nơi trong xây dựng NTM chưa thể hiện rõ. Sự phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể trong vận động, tuyên truyền nhiều nơi chưa đạt kết quả như mong đợi… Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng NTM tại địa phương theo như Nghị quyết Đảng ủy đề ra”, ông Huỳnh Văn Dũng cho biết.
Tập trung các giải pháp
Tháo gỡ những khó khăn địa phương đang gặp phải, vừa qua, MTTQ Việt Nam xã tổ chức tọa đàm bàn giải pháp vận động nhân dân tham gia thực hiện các TC xây dựng NTM gắn với thực hiện “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” năm 2019.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Thị Cẩm cho biết: Hiện tại, xã có 100% hộ sử dụng nước sạch, trên 2.200 hộ có nhà tắm kín đáo, 1.860 hộ có hố xí hợp vệ sinh, đạt 82,62%. Để thực hiện thành công TC số 17, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Cùng với đó là hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, xây dựng mô hình dân vận khéo góp phần thực hiện tốt TC môi trường. Phát động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia xây dựng mô hình “xanh - sạch - đẹp” để bảo vệ môi trường. Vận động mỗi hộ gia đình tích cực trồng hoa, cây xanh trước nhà. Tham gia bảo vệ cây xanh tại ấp mình. Thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại hộ gia đình. Tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường trong toàn xã.
Về TC số 13, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Công Danh đề xuất giải pháp: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng những công việc, mô hình cụ thể, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn để người dân tham gia. Thống kê, rà soát các mô hình liên kết sản xuất một cách cụ thể, đánh giá đúng thực tế để có hướng củng cố nâng chất lượng hoạt động và nếu cần thì loại bỏ các mô hình, tổ hợp tác hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Phối hợp với cấp trên, ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn hoạt động nhằm nâng cao năng lực điều hành của các tổ hợp tác. Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để người dân biết và áp dụng có hiệu quả. Công tác quản lý cần chặt chẽ, kịp thời xử lý nghiêm đối với hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản bẩn nhằm tạo chỗ đứng vững chắc cho nông sản sạch...
Bài, ảnh: Phạm Tuyết