Nhà báo Huỳnh Năm Thông

Sống trọn vẹn với nghề cầm bút

09/11/2021 - 11:21

BDK - Ngày 11-11-2021, Báo Đồng Khởi tròn 45 tuổi, chiếm một nửa chặng đường của báo chí cách mạng tỉnh Bến Tre. Trải qua bao giai đoạn, Báo Đồng Khởi ngày càng trưởng thành và phát triển với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ nhà báo, đặc biệt là nhà báo Huỳnh Năm Thông. Ông là một trong số các nhà báo lão thành trụ lâu nhất của tòa soạn báo tỉnh nhà. 76 tuổi đời, ông đã trải qua khoảng 50 năm làm báo, trong đó có 30 năm làm Tổng biên tập Báo Chiến Thắng - Báo Đồng Khởi.

Nhà báo Huỳnh Năm Thông (bên phải) tại một buổi họp mặt. Ảnh tư liệu

Nhà báo Huỳnh Năm Thông (bên phải) tại một buổi họp mặt. Ảnh tư liệu

Ôn lại lịch sử Báo Chiến Thắng - Báo Đồng Khởi, chúng ta càng trân trọng công lao của những thế hệ đã làm nên truyền thống và thành tích vẻ vang của báo chí cách mạng tỉnh nhà. “Đó là những người đầu tiên gầy dựng sự nghiệp báo chí cách mạng. Đó là những cán bộ lãnh đạo của Đảng vì yêu cầu của công tác tuyên truyền và vận động quần chúng mà viết báo. Dần dà sau này phát triển đội ngũ viết báo chuyên nghiệp, có năng khiếu và tích lũy kinh nghiệm, đồng thời với việc học tập bồi dưỡng nghiệp vụ ở các trường lớp. Số cán bộ nghiệp vụ này ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng”(1).

Kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi là dịp để đồng nghiệp cùng thời, thế hệ trẻ nhắc nhớ và bày tỏ lòng tri ân đối với những công lao của nhà báo Huỳnh Năm Thông, “Người tổng biên tập hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn”(2); “Đàn anh của các thế hệ làm báo xứ Dừa; người có lòng thủy chung sắc son với sự nghiệp báo chí, còn sống còn viết”(3). Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, dù ở vai trò nào, nhất là khi cầm bút. Tất cả đều được thể hiện qua tiểu sử cuộc đời ông sau khi ông mất. 

Nhà báo Huỳnh Năm Thông tên khai sinh là Huỳnh Công Hải, sinh năm 1932, tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), trong một gia đình trung nông. Lúc nhỏ, ông theo học trường làng Tân Thành Bình, sau đó lên trường huyện, tỉnh (Trường Phan Thanh Giản) và Trường Mỹ Tho. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông nghỉ học, tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong, cảm tử quân. Năm 1946 - 1947, ông là cán bộ Tuyên huấn huyện Mỏ Cày. Ông học Trường Trung học Nguyễn Văn Tố, Phân viện Viện Văn hóa Nam Bộ từ năm 1948 - 1950. Chỉ trong 4 năm (1950 - 1953), ông trải qua nhiều công việc, bắt đầu từ giáo viên, sau đó là Hiệu trưởng Trường Nội trú tỉnh Hà Tiên; Trưởng ty Giáo dục tỉnh Hà Tiên; cán bộ Tuyên huấn tỉnh Long Châu Hà; Bí thư Liên Chi ủy Tuyên huấn - Giáo dục - Thông tin văn nghệ tỉnh Long Châu Hà; giảng viên Trường Đảng Phan Đăng Lưu; Chánh văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Long Châu Hà.

Nhà báo Huỳnh Năm Thông nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho Báo Đồng Khởi. Ảnh tư liệu

Nhà báo Huỳnh Năm Thông nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho Báo Đồng Khởi. Ảnh tư liệu

Năm 1954 - 1957, ông là Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tiên, kiêm phụ trách Báo Hòa Bình Thống Nhất của tỉnh. Năm 1957 - 1962, ông bị địch bắt tại thị xã Rạch Giá, đày lên Phú Lợi và đưa ra Côn Đảo. Năm 1962 - 1972, Diệm bị phế truất, địch mị dân thả ông về, học lớp xử lý cán bộ tù đày. Sau đó, ông được điều về công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre, làm Trưởng tiểu ban Thông tấn - Báo chí, chủ bút tờ Báo Chiến Thắng. Năm 1972 - 1976, ông là Phó tiểu ban Báo chí Khu 8 (miền Trung Nam Bộ), chủ bút tờ Giải Phóng Trung Nam Bộ, đảng ủy viên Đảng ủy Tuyên huấn Khu 8.

Năm 1976 - 1996, ông làm Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trực; Tổng biên tập Báo Đồng Khởi (tỉnh Bến Tre); Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre (từ năm 1978 - 1999). Ông nghỉ hưu năm 1996. Tháng 5-2008, ông mất sau cơn đau tim đột ngột.

Nhà báo Tiền Phong từng nói: Nhớ đến nhà báo Huỳnh Năm Thông là nhớ đến bút lực mạnh mẽ, sắc sảo, viết bài liên tục, số lượng bài viết dầy cộm thuộc hàng kỷ lục quốc gia. Ông được các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh khen là viết nhạy, ngòi bút nghị luận, châm biếm sắc bén... Ông là người chấp bút viết bức thư của nhân dân Bến Tre đăng trong tập hồ sơ tội ác chiến tranh gửi Tòa án quốc tế Pét-tơ-răng Rút-xen (Bỉ), tố cáo tội ác chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra đối với nhân dân Bến Tre, nhân dân Việt Nam giữa những năm 60 của thế kỷ XX, gây tiếng vang cả nước và thế giới…

Suốt thời gian làm Tổng biên tập Báo Chiến Thắng - Báo Đồng Khởi, ông luôn quan tâm nâng cao chất lượng nội dung tờ báo, bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, tạo điều kiện cho phóng viên trẻ mới vào nghề tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nhờ đó, lực lượng làm báo không ngừng được củng cố, ngày càng vững mạnh, đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo ngày càng trưởng thành, vững vàng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà.

Cho đến khi nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng lao động báo chí, thường xuyên viết bài cộng tác cho các báo trong và ngoài tỉnh. Ông còn là thành viên Hội đồng biên soạn Lịch sử Báo chí tỉnh Bến Tre. “Những ngày cuối đời, ông vẫn còn đưa ra nhiều sáng kiến sâu sắc với bạn bè đồng nghiệp, với anh em tòa soạn Báo Đồng Khởi về những điển hình, những giai đoạn lịch sử cần biên soạn, vẫn miệt mài ngày đêm để hoàn thành sớm những trang quan trọng cho Lịch sử Báo chí tỉnh Bến Tre” (3). Ông từng tâm sự với nhà báo Tiền Phong rằng: “Mình đã có Địa chí Bến Tre, có Lịch sử Tiểu đoàn 516 anh hùng, có Đội quân tóc dài cầm súng… thì chết sống gì cũng xuất bản cho bằng được Lịch sử Báo chí Bến Tre”. Thấu hiểu tâm huyết của ông, không phụ lòng ông, các nhà báo lão thành cách mạng, những đồng chí, đồng nghiệp của ông đã cố gắng thực hiện các công việc còn dang dở sau khi ông mất, hoàn thành quyển Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre và xuất bản năm 2014. Đặc biệt, trong đó có nhiều bài viết bày tỏ sự kính trọng đối với ông - đàn anh của thế hệ làm báo xứ Dừa.   

Kỷ niệm ngày đổi tên báo năm nay, do tình hình dịch Covid-19, buổi họp mặt và tọa đàm về nhà báo Huỳnh Năm Thông đã không tổ chức như kế hoạch ban đầu. Song những tình cảm và kỷ niệm đẹp về mái nhà chung Chiến Thắng - Đồng Khởi, về người Tổng biên tập suốt 30 năm gắn bó với tờ báo Đảng bộ Bến Tre được gửi gắm qua từng bài viết trong quyển đặc san này. Đó là những câu chuyện về nhà báo Huỳnh Năm Thông, người đã sống trọn vẹn với nghề cầm bút qua hai thời kỳ kháng chiến; tấm gương sáng cả đức lẫn tài trong làng báo chí cách mạng Bến Tre.

Những đóng góp của đồng chí Huỳnh Công Hải trong sự nghiệp cách mạng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba. đồng chí được tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam và nhiều bằng khen, giải thưởng báo chí của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Huỳnh Thi

(1): Tổng luận Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre 1930 - 2010.

(2): Bài viết Nhà báo Huỳnh Năm Thông của nhà báo Chí Nhân, trang 334, Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre.

(3): Bài viết Vĩnh biệt anh Năm! của nhà báo Tiền Phong đăng trên Báo Đồng Khởi số 2388, ngày 6-6-2008.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN