Sử dụng mạng xã hội đúng cách và an toàn

18/06/2018 - 07:26

Cần cẩn trọng khi tham gia khai thác, chia sẻ mạng xã hội. Ảnh: L. Uyên

Cần cẩn trọng khi tham gia khai thác, chia sẻ mạng xã hội. Ảnh: L. Uyên

Mạng xã hội từ lâu trở thành một công cụ hữu ích được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Thông qua môi trường này, mọi người có thể tiếp cận, cập nhật thông tin, chia sẻ kiến thức hay khởi nghiệp. Bên cạnh đó cũng có những thông tin thiếu chính xác, độc hại không được kiểm chứng gây tác hại không nhỏ cho người sử dụng. Do vậy, sử dụng mạng xã hội thế nào có hiệu quả, có ích là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Nâng cao cảnh giác

Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông luôn cảnh báo về tình trạng những người sử dụng mạng xã hội bị các phần tử xấu kích xúi tham gia gây rối trật tự nơi công cộng. Nhiều bạn tò mò cũng hòa theo xu hướng lên mạng xem rồi livestream, bình luận ngay khi bản thân mình không biết, không hiểu tận tường sự việc là gì. Chị Hoàng Thu Thủy - công nhân Khu công nghiệp An Hiệp (Châu Thành) cho biết: “Khi nghe sự kiện người dân thể hiện lòng “yêu nước” khi Quốc hội khóa XIV đang thảo luận Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chị có lên mạng xem nhiều clip, nhưng vì không biết rõ nên chị chỉ xem qua thôi chứ không dám bình luận gì”. “Thể hiện lòng yêu nước mà như vậy thì là sai trái, là gây rối. Theo tôi, yêu nước chính là làm tốt công việc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xã hội ngày càng tiến bộ, đất nước ngày càng phát triển” - chị Thủy chia sẻ.

Bạn Kiều Thoa, Công ty TNHH May mặc Alliance One (Khu công nghiệp Giao Long) cho rằng, chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề, không nên yêu nước theo kiểu hô hào, hưởng ứng phong trào. “Làm tốt công việc bản thân, sống có lý tưởng, hoài bão, mục đích phấn đấu trở thành những con người có ích, vậy là yêu nước rồi” - Thoa bày tỏ.

Dù chưa đi quá giới hạn cho phép nhưng bạn Đỗ Vũ Linh, TP. Bến Tre bùi ngùi: “Do chưa có việc làm ổn định, thời gian rảnh thường lên mạng chơi facebook hay chơi game. Thấy tiêu đề hấp dẫn, em vào xem rồi bình luận thử. Tích tắc có người trả lời và mời gọi em tham gia, sẽ có nhiều phần thưởng. May mắn khi về nhà nghe anh chị và ba mẹ bàn tán, hỏi kỹ lại thấy mình sai.  Nếu không thì giờ chắc em…” - bạn Vũ Linh cho biết.

Như những bạn trẻ khác, em Huỳnh Bé Ba, học sinh Trường THPT An Thới (Mỏ Cày Nam) tham gia mạng xã hội từ khá sớm. “Chúng ta phải biết sử dụng mạng trong trường hợp nào. Với học sinh, dùng mạng xã hội phải văn minh, lịch sự. Ta có thể dùng mạng chia sẻ thông tin học tập, ôn thi... Đừng theo trào lưu hay thích nổi tiếng hòa theo xu hướng để trở thành người thiếu hiểu biết” - Bé Ba cho biết.

Định hướng cho học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội, nhất là trang facebook, bà La Thị Thúy - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để việc sử dụng mạng xã hội hiệu quả, lành mạnh và thiết thực. Các tổ chức Đoàn - Hội - Đội cần quan tâm tổ chức các diễn đàn về văn hóa sử dụng mạng xã hội trong học sinh. Thường xuyên quan tâm để kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, nhất là trong việc bình luận, chia sẻ và phát tán thông tin...

Thông điệp ngành giáo dục muốn gửi đến các em học sinh đó là: Hãy sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực và tuyệt đối không để các đối tượng xấu lợi dụng để vi phạm pháp luật.

Môi trường ảo, tác động thật

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua vào ngày 12-6-2018. Luật này gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

“Mạng xã hội là môi trường ảo nhưng cuộc sống của chúng ta là thật, vì vậy làm việc gì cũng cần suy nghĩ, cân nhắc. Với những người tham gia mạng xã hội, một khi thấy vấn đề nóng được nhiều người chia sẻ, cần tĩnh táo, nghiên cứu kỹ nội dung, tính chất sự việc. Không nên xem qua tiêu đề, ùa theo đám đông mà dễ bị các phần tử xấu lợi dụng” - ông Vũ Hồng Thanh - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khuyên nhủ.

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Khi tung nội dung lên mạng, các phần tử xấu thường lấy tít “giật gân”, tiêu đề “ấn tượng” để thu hút người xem. Chính điều này dễ làm cho người sử dụng mạng xã hội ngộ nhận, bức xúc. Cụ thể, vừa qua, Quốc hội khóa XIV đang thảo luận để biểu quyết thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Chỉ nghe qua, nếu luật này thông qua, ta sẽ cho Trung Quốc thuê đất với thời hạn 99 năm. Vậy là phản ứng, theo kích xúi của kẻ xấu, trong khi có những người chưa hề biết Luật Đặc khu là gì, nội dung cụ thể ra sao...

Do vậy, người sử dụng mạng xã hội cần phải hết sức tỉnh táo và ứng xử có văn hóa, phải hiểu biết pháp luật. Bởi các thông tin sai trái, tiêu cực, các nhận định không khách quan, thiếu đúng đắn, đều ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới những cá nhân có tham gia trên không gian mạng, thậm chí trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng, vi phạm pháp luật. Từ sự cấp thiết đó, ngày 12-6-2018 vừa qua, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng. Thực ra, không phải chỉ ở nước ta mà theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tuy khác nhau về tên gọi, nhưng hiện nay có 138 quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng.

“Có nhiều người cho rằng, quy định quản lý dữ liệu người dùng thể hiện trong Luật An ninh mạng có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm của người dân. Thật ra, Luật An ninh mạng chẳng những không ảnh hưởng mà trái lại chưa có luật nào đưa ra những điều khoản bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng như luật này. Mặt khác, ai xúc phạm nhân phẩm, ai bịa đặt mà hành vi đó quy chiếu theo 29 điều của Bộ luật Hình sự và Dân sự thì phải bị xử lý. Có thể nói, chưa bao giờ luật của chúng ta bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhiều như vậy. Ai xúc phạm dân tộc, xâm phạm an ninh quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội chắc chắn bị xử lý nghiêm, đương nhiên là tùy theo mức độ và sẽ có hướng dẫn cụ thể” - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN