Sửa đổi Luật Báo chí, kỳ vọng chuyển mình giữa dòng chảy số hóa

16/05/2025 - 16:15

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí được đánh giá là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí.

Ngày 16-5 tại Hà Nội, hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số" đã diễn ra dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Truyền thông số Việt Nam.

Sự kiện do Cục Báo chí phối hợp với Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức, đúng vào thời điểm hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025).

Toàn cảnh hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số".

Toàn cảnh hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số".

Cần thiết sửa đổi Luật Báo chí

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hiện thực hóa đường lối, chính sách của Đảng trong lĩnh vực báo chí, đồng thời xử lý các bất cập đang tồn tại.

Ông Thủy cho rằng, việc cập nhật luật pháp là cần thiết để báo chí có thể thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, khoa học truyền thông và môi trường số, từ đó hình thành hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động báo chí trong thời đại mới.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, góp ý xoay quanh ba chủ đề trọng tâm:

Thứ nhất, việc xây dựng mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống cơ quan báo chí, hướng đến hiệu quả và phát triển bền vững,

Thứ hai, cơ chế liên kết giữa các cơ quan báo chí và xã hội nhằm tận dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài ngành.

Thứ ba, giải pháp pháp lý để báo chí có thể cạnh tranh lành mạnh, định hướng thông tin giữa bối cảnh mạng xã hội và nền tảng số xuyên biên giới đang chiếm ưu thế về tốc độ phát tán và mức độ ảnh hưởng.

Những điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí đã trình bày các nội dung chính của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Dự thảo này cụ thể hóa 4 chính sách lớn được thông qua theo Nghị quyết 148 ngày 22-9-2024 của Chính phủ, gồm: Tăng cường quản lý báo chí; nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo; phát triển kinh tế báo chí; quản lý báo chí trên môi trường mạng.

Dự thảo đưa ra các nguyên tắc quản lý minh bạch, phân định rõ vai trò giữa trung ương và địa phương.

Theo đó, có khoảng 30 nội dung sẽ do Chính phủ và các cơ quan chức năng hướng dẫn chi tiết, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phụ trách các lĩnh vực gồm cấp thẻ nhà báo, giấy phép hoạt động, văn phòng đại diện, bản tin, đặc san...

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí thông tin về một số nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Đáng chú ý, mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện chủ lực được đề xuất chính thức đưa vào luật. Theo mô hình này, một tổ hợp có thể bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc, vận hành theo cơ chế tài chính doanh nghiệp, có thể thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp báo chí.

Để kiểm soát nội dung báo chí trên mạng, dự thảo yêu cầu các kênh nội dung sử dụng mạng xã hội và ứng dụng Internet phải đăng ký với cơ quan quản lý, tuân thủ các quy định về an ninh mạng và cam kết quốc tế.

Một điểm quan trọng khác là việc giao Hội Nhà báo Việt Nam giám sát đạo đức nghề nghiệp người làm báo, một bước tiến trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chuẩn mực nghề báo.

Dự thảo Luật cũng đề xuất thay đổi cách thức cấp thẻ nhà báo: Bỏ quy định về kỳ hạn cứng, thay bằng thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp và có thể được đổi nếu đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, những người làm việc tại tạp chí khoa học sẽ không thuộc diện được cấp thẻ.

Ngoài ra, dự thảo mở rộng quyền xuất nhập khẩu sản phẩm báo chí cho cơ quan hoặc doanh nghiệp đủ điều kiện, đồng thời đề xuất phân cấp cho địa phương thực hiện 10 thủ tục hành chính liên quan đến báo chí nhằm nâng cao hiệu quả và tính chủ động của chính quyền cơ sở.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử đã giới thiệu mô hình tổ hợp báo chí tại Trung Quốc, nơi báo chí vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vận hành theo cơ chế doanh nghiệp.

Theo ông Hải, nhiều tập đoàn truyền thông ở Trung Quốc được hình thành thông qua các quyết định hành chính sáp nhập, hoạt động đa ngành trong lĩnh vực truyền thông với báo chí là trung tâm. Họ áp dụng mức thuế ưu đãi 10% cho toàn ngành báo chí, điều có thể được cân nhắc như một tham chiếu cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện mô hình tổ hợp báo chí.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, các chuyên gia đều khẳng định, việc sửa đổi Luật Báo chí là bước đi cần thiết để báo chí Việt Nam có thể phát triển bền vững, giữ vững vai trò định hướng và dẫn dắt thông tin trong thời đại công nghệ số.

Nguồn: Vietnamnet

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Luật Báo chí

BÌNH LUẬN