Sửa Luật Ngân sách nhà nước để tăng cường kỷ luật tài chính và tạo điều kiện cho địa phương phát triển

18/05/2025 - 16:14

BDK.VN - Chiều 17-5-2025, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre cho rằng các nội dung thảo luận là rất quan trọng vì liên quan đến vấn đề nguồn lực và cách thức phân bổ nguồn lực phục vụ cho phát triển ở cấp độ quốc gia và địa phương, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang sắp xếp tổ chức bộ máy để xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Góp ý cho Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi và cho rằng các nội dung được sửa đổi rất trọng tâm, đi thẳng vào những vấn đề mà Trung ương và địa phương đều đang quan tâm là huy động, phân bổ nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu, việc sửa đổi cần hướng đến các mục đích: Thứ nhất là tạo điều kiện tốt nhất cho ngân sách quốc gia cũng như ngân sách địa phương đáp ứng cho các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội;

Thứ hai, tạo ra sự công bằng, khuyến khích các địa phương tăng cường nguồn thu và khai thác tốt các nguồn lực để tự mình quyết định cho chính mình theo đúng nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”;

Thứ ba, tạo cơ chế cho các địa phương nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương ngày càng giảm, khuyến khích các địa phương tự thu, tự chi ngày càng tăng lên. Qua nghiên cứu dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đại biểu góp ý một số vấn đề như sau:

1. Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, Khoản 6, Điều 7 dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ đồng tình cao với quy định này, Trung ương đã nâng trần nợ vay cho các địa phương tạo điều kiện cho các tỉnh có nguồn lực, có khả năng trả nợ được phép vay để đầu tư những dự án lớn, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, mức trần nợ vay được nâng từ 20% lên 80%, đại biểu cho rằng rất hợp lý. Về vấn đề bội chi khi nâng trần dư nợ vay, đại biểu cho rằng các địa phương muốn vay đều qua Trung ương phê duyệt nên Trung ương có thể kiểm soát được mức bội chi chung.

2. Về các lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên, hiện nay đang dồn nguồn lực cho các nhiệm vụ, giải pháp thuộc “Bộ tứ chiến lược” theo chủ trương của Trung ương và sắp tới đây 2 lĩnh vực đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm là giáo dục, đào tạo và y tế.

Đối với giáo dục, đào tạo, đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 57-NQ/TW bảo đảm bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đại biểu cũng đề nghị đối với y tế, cũng cần quy định bố trí tỷ lệ % nhất định trên tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này, đặc biệt là cho đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực y tế.

3. Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa Trung ương và địa phương, đây là vấn đề mà các địa phương đang rất quan tâm. Theo dự thảo Luật, tại Khoản 2, Điều 35 đưa ra 2 phương án quy định về các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương gồm có các khoản thu từ đất đai như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các khoản thu từ các loại thuế...Trong đó, tại điểm g, Khoản 2, Điều 35 quy định: “g) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%”.

Đối với các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngân sách cấp tỉnh có 3 nguồn thu chủ yếu là từ xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất và nguồn thu từ doanh nghiệp. Theo đại biểu thống nhất phương án 2, nhưng đề nghị xem xét vì nguồn thu từ tiền sử dụng đất, thuê đất hiện nay còn khá bấp bênh, nếu phân chia giữa Trung ương và địa phương theo các tỷ lệ quy định trong dự thảo thì sẽ rất khó khăn cho các địa phương còn chưa tự cân đối được ngân sách.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, đối với các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối được thu chi, các khoản thu từ đất đai nên để lại cho ngân sách địa phương được hưởng 100% để tỉnh có thể chi đầu tư, vì nếu phân chia thì Trung ương cũng phải cấp bù ngân sách cho tỉnh khi tỉnh không cân đối được ngân sách cho đầu tư, phát triển; giữ nguyên mức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (30%) cho các tỉnh chưa cân đối được ngân sách.

4. Về phân cấp thẩm quyền quyết định, điều chỉnh ngân sách giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp tỉnh, đại biểu đồng ý việc phân cấp, phân quyền là rất cần thiết. Theo đại biểu, Quốc hội có thể phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền để có thể chủ động hơn trong thời gian Quốc hội không họp (như điều chỉnh danh mục, nguồn vốn…), còn những nhiệm vụ hiến định như quyết định tổng dự toán, các nguồn lực quốc gia, Quốc hội phải giữ; nghiên cứu phân cấp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về quy trình, thủ tục, điều chỉnh trong nội bộ ngành, nguồn vốn, chủ trương không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức… để triển khai thực hiện nhanh, tiết kiệm thời gian, đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn. Tương tự như vậy, ở địa phương, HĐND tỉnh nên phân cấp cho Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến việc điều chỉnh ngân sách cấp tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND để có thể đáp ứng ngay yêu cầu cấp thiết về phân bổ nguồn lực đầu tư của địa phương và báo cáo lại HĐND ở kỳ họp gần nhất.

5. Về tuân thủ kỷ luật, kỷ cương tài chính, đại biểu đề nghị việc phân bổ dự toán, giao kế hoạch vốn đầu tư công phải được thực hiện ngay từ đầu năm, sau khi Quốc hội họp và quyết dự toán ngân sách quốc gia, Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm để triển khai sớm các nguồn vốn đầu tư công và có chế tài xử lý nếu giao chậm. Thực tế hiện nay việc giao dự toán chi thường xuyên, kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm và thủ tục chuẩn bị đầu tư làm cho các bộ, ngành, địa phương mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ giải ngân. Các nguồn vốn được giao sau ngày 30-9 hàng năm tạo áp lực rất lớn về giải ngân cho các địa phương vì thời gian còn lại trong năm không kịp để giải ngân, do đó, đề nghị nên hạn chế giao vốn phát sinh vào thời điểm cuối năm để đảm bảo kỷ cương ngân sách, tránh việc giải ngân không hết phải chuyển nguồn sang năm sau hoặc hủy dự toán.

6. Về năm tài chính, hiện nay chưa có sự thống nhất về thời hạn giải ngân, quyết toán giữa hai nguồn chi ngân sách nhà nước, nguồn chi đầu tư phát triển thời hạn giải ngân là vào ngày 31-1 năm sau, còn nguồn chi thường xuyên là ngày 31-12 của năm tài chính hiện hành. Đại biểu kiến nghị nên quy định thời hạn giải ngân, quyết toán hai nguồn chi ngân sách này cho thống nhất (kết thúc vào ngày 31-12 trong năm hoặc cùng tháng 1 năm sau), hay thay đổi mốc tính thời điểm năm tài chính phù hợp.

7. Về tăng thu ngân sách, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kiến nghị cần quy định, điều chỉnh tỉ lệ chi cho đầu tư phát triển là chính (hiện chỉ 30%), thống nhất mức dự phòng ngân sách tối đa 5%, trích dự trữ tài chính và cải cách tiền lương ở mức phù hợp. Các nguồn lực do tăng thu cần dành tối đa cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi mang tính chiến lược theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước.

Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN