Sum vầy Tết Việt

21/02/2018 - 10:16

BDK - Tết là dịp đoàn viên cũng là cơ hội để bạn bè, du khách nước ngoài hiểu hơn về truyền thống đón năm mới của người Việt. Vì thế, trong tâm tưởng của mỗi người luôn nôn nao mong chờ một cái Tết sum vầy, đầm ấm bên những người mình yêu thương.

Gia đình anh chị Kenneth và Thanh Hằng chuẩn bị mâm cơm cuối năm.

Gia đình anh chị Kenneth và Thanh Hằng chuẩn bị mâm cơm cuối năm.

Gắn kết hai nền văn hóa

Trưa 29 Tết, gia đình nhỏ của anh chị Dương Thị Thanh Hằng và Kenneth Lloyd Watkins (Ken) ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm chuẩn bị mâm cơm rước ông bà. Các món ăn truyền thống được bày biện ấm cúng, có thịt kho tàu, mắm tép, chả giò, canh khổ qua, tất cả đều do đích thân chị Thanh Hằng xuống bếp. Anh Ken đặc biệt thích những món ăn truyền thống Việt Nam do chính tay vợ mình nấu. Một vài người bạn thân của gia đình cũng đến họp mặt, không khí đón Tết ngày cuối năm quây quần, vui vẻ.

Đã 5 năm, sau khi kết hôn, Ken và vợ ở lại sống tại Bến Tre và cũng chừng ấy năm gia đình anh đón Tết cổ truyền Việt Nam. Đối với anh, ngày Tết cổ truyền ở quê vợ đã trở nên gần gũi và thân thuộc. Dù là người nước ngoài nhưng anh cũng cảm nhận được nhiều ý nghĩa nhân văn của ngày Tết. “Đó là ngày gia đình sum họp, nhiều người ở nơi xa sẽ quay về nhà để đoàn tụ với người thân, thăm viếng nhau, rất vui”, Ken nhận xét.

Sống trong một gia đình, việc giữ gìn và dung hòa những điểm khác biệt giữa nếp sống của hai vợ chồng là điều quan trọng mà chị Thanh Hằng luôn tâm niệm. Vừa chăm sóc cho chồng theo thói quen, phong cách của văn hóa Tây phương nhưng chị cũng giữ gìn các phong tục truyền thống của dân tộc để giới thiệu cho người bạn đời. Hai vợ chồng chị cũng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết, đi tảo mộ cùng bà con họ hàng, thăm viếng người thân, cũng đón giao thừa, rước ông bà như bao gia đình khác. Mấy chậu vạn thọ, bông giấy chưng trong nhà cũng do hai vợ chồng cùng nhau đi mua, bày trí.

“Con người Bến Tre rất thân thiện và hiếu khách, tôi rất thích đức tính này. Những năm qua, nhìn thấy đời sống mọi người ngày càng phát triển hơn, tôi rất lấy làm vui vì điều đó”, Ken chia sẻ.

Giới thiệu văn hóa dân tộc

Đầu năm mới, cũng là mùa cao điểm du lịch, nhiều du khách đã chọn đến Việt Nam, về miền Tây, trong đó có Bến Tre để trải nghiệm những nét văn hóa ngày Tết cổ truyền.

Gặp anh Kevin Anderson (du khách Thụy Điển) tại nhà sưu tập gốm sứ cổ của ông Sáu Khánh (xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre), anh tỏ vẻ rất thích thú khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sộ. Khi được hỏi về cảm nhận về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, anh cho biết: “Thật trùng hợp khi chuyến du lịch của tôi đến Việt Nam là dịp Tết của các bạn. Đường phố và trước nhà hai bên đường trưng bày hoa rất đẹp mắt. Tôi cũng đã đi xem chợ hoa, không khí rất náo nhiệt”.

Một ngày tại Homestay Duyên Quê (xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre), sự hào hứng của du khách càng làm không khí Tết nơi đây thêm vui vẻ. Nồi bánh tét đặt ở góc sân vườn đã sôi, bà Mary (du khách Bỉ) cẩn thận vớt từng đòn bánh ra rổ để mọi người chụp ảnh. Trưa nay, nhóm của bà Mary đã được xem chủ nhà gói bánh tét, họ đang háo hức chờ thử món bánh dân dã của xứ Dừa Bến Tre.

Ông Võ Minh Tâm - chủ nhà vừa kiêm luôn “hướng dẫn viên” cho khách thông tin, ngoài dẫn khách đến các điểm tham quan, nhà ông còn hướng dẫn khách làm các món ăn truyền thống dân tộc, giới thiệu với họ những phong tục của Việt Nam như thờ cúng ông bà tổ tiên, chưng mâm ngũ quả ngày Tết. “Du khách nước ngoài thích trải nghiệm văn hóa thường chọn ở homestay, họ thích gần gũi, tham gia các hoạt động trong gia đình, thậm chí thích được mình dẫn đi thăm nhà bà con, họ hàng trong xóm”, ông Tâm cho biết. Với sự cởi mở và khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, tại nhà của ông Tâm, khoảng cách giữa chủ và khách được kéo gần lại.

Cả chủ nhà và khách quây quần bên chiếc bếp than cùng đổ bánh xèo, anh Matjaz Sivic (du khách Slovakia) hào hứng cho biết: “Món ăn này quá hấp dẫn, cách chế biến và cách thưởng thức cũng thật đặc biệt”. Gia đình Sivic có 4 thành viên, gồm anh, vợ anh và 2 con nhỏ. Theo kế hoạch, gia đình Sivic sẽ ở lại homestay và ăn Tết cùng gia đình ông Tâm. Mọi người cũng dự định đi đến nhiều điểm tham quan trên địa bàn TP. Bến Tre như nhà sưu tập gốm sứ cổ Sáu Khánh, Bảo tàng tỉnh, đình Phú Tự… “Chúng tôi muốn cho các con trải nghiệm văn hóa các nước khi đi du lịch. Tôi chọn đến Bến Tre, Việt Nam vì bị thu hút bởi không gian miền quê gần gũi với tự nhiên cùng các món ăn hấp dẫn”, anh Sivic nói.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN