Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 29-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (67.290 ca), Brazil (35.768 ca) và Colombia (28.519 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới cũng là Ấn Độ (3.819 ca), Brazil (1.043 ca) và Colombia (586 ca).
Như vậy, số ca mắc mới ở Ấn Độ liên tục có xu hướng giảm và ở dưới mức 100.000 ca/ngày trong 7 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, số ca tử vong ở nước này vẫn ở mức trên 3.000 ca/ngày.
Xét về tổng số ca từ đầu đại dịch, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 615.000 ca tử vong trong tổng số 34,3 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 374.226 ca tử vong trong số 29,5 triệu ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với 487.401 ca tử vong trong số 17,4 triệu bệnh nhân.
Ấn Độ ghi nhận dưới 100.000 ca trong ngày thứ 7 liên tiếp
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tripura, Ấn Độ ngày 9-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Ấn Độ đã ghi nhận 67.290 ca mắc mới COVID-19 và 3.819 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở dưới mức 100.000 ca/ngày.
Như vậy tính đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng trên 29,5 triệu ca mắc COIVD-19, trong đó có 374.226 ca tử vong, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số ca nhiễm. So với giai đoạn đỉnh dịch có hơn 400.000 ca mắc/ngày hồi tháng 4 và tháng 5, con số mắc mới theo ngày đã giảm đáng kể. Hiện chỉ còn trên 1 triệu ca dương tính trong khi có tới trên 28 triệu ca phục hồi và ra viện.
Số ca nhiễm mới tại Indonesia tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia lại ghi nhận số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua cao nhất kể từ cuối tháng 2. Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, với 9.868 ca mắc mới, Indonesia hiện có tổng cộng 1.901.490 ca mắc, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Do số ca mắc mới tăng cao trở lại trong những ngày qua, giới chức nước này đã kêu gọi tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng chỉ tiêu 700.000 liều/ngày trong tháng 6 này và 1 triệu liều/ngày trong tháng 7. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi người đứng đầu các khu vực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đặt mục tiêu tiêm chủng 1 triệu liều mỗi ngày trong tháng 6. Tuy nhiên, con số này sau đó đã được điều chỉnh phụ thuộc vào lượng vaccine nhận được. Hiện ước tính Indonesia đã mua tổng cộng 426 triệu liều vaccine, trong đó 90 triệu liều nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, số còn lại dự kiến sẽ nhận từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay.
Cho đến nay, đã có 20.158.937 người được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó có 11.568.443 người đã tiêm đủ cả hai liều, tương đương 6,37% trong nhóm hơn 181 triệu người mục tiêu tiêm phòng.
Lào lo ngại nguy cơ dịch bùng phát trở lại
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào ngày 13-6 ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 mới tại 3 tỉnh/thành phố, trong đó có 5 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Ngoài 4 ca cộng đồng tại tâm dịch thủ đô Viêng Chăn, việc phát hiện thêm 1 ca cộng đồng ở một tỉnh phía Bắc gây nhiều lo ngại bởi đã nhiều ngày qua không có các ca nhiễm cộng đồng ngoài thủ đô Viêng Chăn.
Đại diện Bộ Y tế Lào cảnh báo tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt là tại các nước láng giềng, vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan dễ hơn, trong khi vẫn xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Ở trong nước, dù tình hình dịch bệnh có xu hướng lắng dịu nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn còn do các ca nhiễm vẫn được ghi nhận tại thủ đô Viêng Chăn, trong đó không ít trường hợp chưa rõ nguồn lây.
Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân không chủ quan, cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch để đạt mục tiêu 28 ngày không có ca cộng đồng, thời điểm có thể dỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt để có thể phục hồi lại nền kinh tế và đời sống.
Tới nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1.996 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.862 người và 3 ca tử vong.
Số ca mắc mới tại Nga tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 26-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong nhiều ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới ở Nga liên tục tăng. Nga đã ghi nhận 14.723 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là con số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 13-2. Riêng Moskva, khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước, đã ghi nhận 7.704 ca mắc mới, nâng tổng số ca tại thủ đô lên 1.234.717 ca.
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế, Nga đã ghi nhận tổng cộng 5.208.687 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 126.430 ca tử vong. Số ca bình phục được ra viện tính đến nay là 4.801.335 người, tăng hơn 9.000 người trong 24 giờ qua.
Cho đến nay, Nga đã tiêm chủng tổng cộng 32.734.213 liều vaccine ngừa COVID-19.
Ba Lan mở cửa biên giới với các nước EU
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Lubieszyn, Ba Lan ngày 13-3-2021. Ảnh: PAP/TTXVN
Từ 0h ngày 13-6, Ba Lan mở cửa biên giới cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh, theo đó chấm dứt các kiểm soát tại biên giới nội bộ của EU được áp đặt để phòng dịch COVID-19.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lưu ý quá trình mở cửa biên giới nên diễn ra từ từ. Trong giai đoạn đầu, đường biên giới với các nước EU sẽ được mở và các chuyến bay quốc tế sẽ được nối lại từ ngày 16-6. Hiện chưa rõ Chính phủ Séc sẽ phản ứng như thế nào với việc mở cửa biên giới Séc-Ba Lan.
Việc kiểm tra ngẫu nhiên ở phía Séc của biên giới Séc-Ba Lan sẽ kết thúc vào ngày 15-6. Điều này dựa trên hệ thống các lựa chọn đi lại được phía Séc thông qua, theo đó Ba Lan được đánh dấu màu xanh lá cây với mức độ nguy cơ rủi ro thấp đối với dịch bệnh COVID-19.
Cũng từ ngày 13-6, Ba Lan tiếp tục nới lỏng một số biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch, theo đó các địa điểm văn hóa như rạp hát, rạp chiếu phim và viện bảo tàng, có thể mở cửa trở lại với số lượng khách hạn chế.
Argentina tiếp tục giảm tần suất chuyến bay đi và đến châu Âu
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Buenos Aires, Argentina, ngày 23-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Argentina thông báo sẽ giảm 20% số lượng các chuyến bay đi và đến từ châu Âu, đồng thời tiếp tục dừng tất cả các chuyến bay đến từ Brazil và Chile để ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xâm nhập trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với làn sóng dịch thứ 2 với số ca nhiễm mới và tử vong liên tục tăng cao.
Cùng với đó, Argentina cũng kéo dài lệnh cấm hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không có điểm khởi hành và đích đến là Anh, Bắc Ireland, Ấn Độ, cũng như bổ sung thêm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Phi vào danh sách này. Đối với các hành khách nhập cảnh từ các nước/vùng khác thì sẽ phải trải qua giai đoạn xét nghiệm y tế và cách ly bắt buộc.
Thông báo chính thức của Argentina nêu rõ, trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, nguy cơ về việc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập trong nước có thể khiến số ca mắc
Argentina cũng quyết định kéo dài tới ngày 25-6 các biện pháp hạn chế đi lại trong nước, cũng như giới hạn thời gian mở cửa của các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí và văn hóa thể thao.
Peru bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị ở ngoại ô Lima, Peru, ngày 22-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Peru cho biết nước này đã chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối phó với làn sóng thứ 2 của đại dịch này với những diễn biến phức tạp hơn so với hồi năm ngoái.
Phát biểu trong lễ khởi động chương trình tiêm chủng tại thủ đô Lima, Bộ trưởng Y tế Peru Oscar Ugarte cho biết việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai là một sự phòng vệ hết sức quan trọng đối với những bà mẹ tương lai. Ông cũng kêu gọi tất cả các phụ nữ Peru đang có thai trước 28 tuần nên tới các trung tâm tiêm chủng để được hưởng dịch vụ đặc biệt này.
Dự kiến, chính phủ của Tổng thống Francisco Sagasti sẽ chuyển giao cho chính quyền mới 50 triệu liều vaccine để tiếp tục chiến dịch tiêm chủng đại trà cho toàn dân. Đến nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận trên 2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có 188.433 trường hợp tử vong.
Cuba ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong vòng 1 tháng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại La Habana, Cuba ngày 15-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Cuba (Minsap) thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.470 ca mắc COVID-19 mới, con số ghi nhận theo ngày cao nhất trong vòng 1 tháng qua, đồng thời là con số cao kỷ lục thứ 2 kể từ đầu mùa dịch, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 trên toàn đảo quốc Caribe lên 157.780 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 1.087 người.
Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày của Minsap cho biết thêm, thủ đô La Habana vẫn là địa phương có số người nhiễm bệnh cao nhất cả nước với tỷ lệ 310,7 ca/10.000 người dân. Giới chức y tế thành phố La Habana đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 trong khuôn khổ chương trình “nghiên cứu can thiệp y tế” hai loại vaccine do chính nước này phát triển là Abdala và Soberana 02 tại 7 quận của thành phố. Chính quyền thủ đô cũng đặt mục tiêu tiêm phòng đầy đủ cho 2,2 triệu dân thành phố vào cuối tháng 7.
Ngoài ra, một số tỉnh khác của Cuba như Pinar de Rio, Matanzas, Santiago de Cuba và huyện đảo đặc biệt Isla de la Juventud cũng đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt tương tự.
Theo số liệu chính thức của Minsap, tới nay trên toàn Cuba đã có hơn 1 triệu người trên tổng số hơn 11 triệu dân được tiêm ít nhất một liều vaccine. Đầu tuần qua, cơ quan y tế Cuba thông báo bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng hai loại vaccine Soberana 02 và Soberana Plus đối với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.
Nguồn: TTXVN