Suy nghĩ về văn hóa đọc và thư viện

12/04/2024 - 05:24

BDK - Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 được tổ chức tại các tỉnh trong tháng 4-2024, với nhiều hình thức phong phú, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhân dịp này, xin giới thiệu đến bạn đọc quyển sách “Suy nghĩ về văn hóa đọc và thư viện” của Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới.

Bìa sách “Suy nghĩ về văn hóa đọc và thư viện”.

Bìa sách “Suy nghĩ về văn hóa đọc và thư viện”.

Đây là tập sách tổng hợp 48 tiểu luận và các bài viết chọn lọc về văn hóa đọc và công tác thư viện trong thời đại mới. Tài liệu có giá trị tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng đối với công tác thư viện nói riêng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung.

Thông qua cuốn sách, tác giả Nguyễn Hữu Giới nói lên suy nghĩ, góc nhìn về văn hóa đọc trong bối cảnh số. Qua đó, tác giả đưa ra những vấn đề cần quan tâm khi văn hóa đọc và hoạt động thư viện hiện đang chịu nhiều tác động bởi văn hóa nghe nhìn, thói quen đọc qua mạng. Cuốn sách thể hiện lăng kính, góc nhìn của tác giả về hoạt động thư viện đương đại, nhất là chuyển đổi số ngành thư viện.

Cuốn sách gồm 544 trang, chia làm 3 phần: Phần thứ nhất, “Suy nghĩ về văn hóa đọc”, với 15 tiểu luận có nội dung sâu, đề cập nhiều khía cạnh cụ thể của văn hóa đọc. Điển hình như: Để ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam thật sự lan tỏa trong xã hội. Làm gì để tăng cường và đổi mới các hoạt động dịch vụ thông tin - thư viện ở Việt Nam. Làm gì để tăng cường xã hội hóa cho thư viện ở cơ sở. Suy nghĩ về thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam trong kỷ nguyên số… Qua các bài tiểu luận, tác giả phân tích các vấn đề hiện tại và đề xuất giải pháp, góp ý cụ thể trên các khía cạnh như: Làm gì để sách lý luận, chính trị đáp ứng tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện Công an nhân dân thời kỳ chuyển đổi số, phục vụ thiếu nhi tại thư viện công cộng, phục vụ sách góp phần hướng thiện cho phạm nhân tại trại giam, nét đẹp của mô hình cà phê sách hiện nay…

Phần thứ hai, “Suy nghĩ về thư viện”, tổng hợp 17 bài trao đổi về công tác thư viện hiện đại. Ở phần này, tác giả bàn sâu về các vấn đề như: Quản lý nhà nước về thư viện ở Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra cần giải quyết. Thư viện Việt Nam cần làm gì để hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường hoạt động thư viện, đưa sách báo đến với nông dân ở nông thôn, Xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động của thư viện đại học…

Phần thứ ba, “Viết cho bạn đọc”, là tổng hợp các bài viết chọn lọc về lĩnh vực văn hóa - xã hội nói chung, góp phần làm phong phú thêm cho tổng thể cuốn sách. Một số bài viết nổi bật ở phần ba này như: Làng Việt Nam trước bối cảnh toàn cầu hóa. Hồn quê trong tranh dân gian Đông Hồ. Từ kinh đô Hoa Lư đến kinh đô Thăng Long tầm nhìn xuyên thế kỷ…

Đôi điều về tác giả, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới sinh năm 1957, quê quán Tân Chi, Tiên Du, Bắc Ninh. Ông là cán bộ công tác trong ngành thư viện Việt Nam từ năm 1983 đến nay, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hiện đang là Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

Viết lời giới thiệu cho cuốn sách, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Dũng - Quyền giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam có nêu: “Là người được đào tạo chuyên ngành thông tin, thư viện ở Trường Đại học Quốc gia văn hóa Khác - cốp (Liên Xô) từ cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tác giả cuốn sách có gần 40 năm gắn bó sâu nặng với nghề thư viện, kinh qua và trải nghiệm nhiều hoạt động thư viện từ Trung ương đến cơ sở, đã đặt chân đến nhiều vùng miền trong cả nước: Từ cao nguyên Đồng Văn, phía Bắc Tổ quốc đến cực Nam là mũi Cà Mau, từ đồng bằng, trung du, ven biển đến cao nguyên miền Trung - Tây Nguyên, góp phần xây dựng sự nghiệp thư viện và thúc đẩy văn hóa đọc cho người dân Việt Nam. Với sự am hiểu sâu rộng và vốn kiến thức khá dày dặn về nghề thư viện, với lý luận sắc bén và những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, hy vọng cuốn sách của Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới sẽ đáp ứng được lòng mong muốn của đồng nghiệp thư viện và bạn đọc cả nước như một tài liệu có giá trị để đồng nghiệp thư viện tham khảo”.

Cuốn sách “Suy nghĩ về văn hóa đọc và thư viện” là sách mới của Nhà xuất bản Lao Động ấn hành trong quý III-2023. Sách hiện đang phục vụ bạn đọc tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN