Tác động của dư luận xã hội đối với văn hóa giao thông đường bộ

05/09/2010 - 15:35
Cần nhân lên những nét đẹp trong văn hóa giao thông. Ảnh: ST

Dư luận xã hội là những phản ứng, tư tưởng và tình cảm, những nhận xét, đánh giá của một  nhóm người, một tầng lớp xã hội, một giai cấp, một cộng đồng... trước một vấn đề xã hội (có thể đó là một chủ trương, chính sách; một vấn đề nảy sinh; một hành động có ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội...). Việc tạo ra dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội là việc làm hết sức cần thiết trong hoạt động của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, có lĩnh vực giao thông, văn hóa giao thông đường bộ.

Văn hóa giao thông đường bộ được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng vấn đề cơ bản, trực diện thì ai cũng nghĩ đến là cách ứng xử giữa những con người với nhau, ở đây là ứng xử của con người trong quá trình tham gia giao thông đường bộ. Với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, “Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông” và “coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.

Từ những vấn đề trên, trong giao thông đường bộ phải có dư luận xã hội, định hướng dư luận xã hội tôn vinh nét đẹp của giao thông đường bộ, đồng thời phê phán, đấu tranh với những hành vi phi văn hóa giao thông đường bộ sẽ góp phần không nhỏ trong quá trình nâng cao trình độ văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông đường bộ nước ta nói chung và Bến Tre nói riêng.

Từ nhận thức văn hóa giao thông như trên để soi vào thực trạng ứng xử của con người khi tham gia giao thông đường bộ hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre, chúng ta phải thừa nhận thực trạng văn hóa giao thông đang bị xói mòn, nhiều lúc thấy rất đau lòng khi tận mắt chứng kiến những hành vi phi văn hóa của con người khi tham gia giao thông. Đó là hành vi phóng nhanh vượt ẩu, chạy xe lạng lách, không hàng không lối, vượt đèn đỏ, chở năm chở ba, không đội mũ bảo hiểm, vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, lái xe một tay, khạc nhổ bừa bãi, khi xảy ra va chạm thì nói năng hồ đồ, chửi bới loạn xạ... Ngày 2-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định 34 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 20-5-2010) đã quy định xử phạt nặng nhiều hành vi phi văn hóa giao thông đường bộ của người tham gia giao thông như: Người tham gia giao thông văng tục, nói bậy, chửi rủa, chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bị phạt đến 3 triệu đồng; đối với hành vi uống rượu bia, nếu như trước đây lái xe ô-tô được phép uống một tửu lượng nhất định thì nay hành vi này bị cấm. Chỉ cần trong máu hoặc hơi thở của lái xe có nồng độ cồn là sẽ bị phạt 600.000 - 800.000 đồng; nếu uống vượt mức 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng; không ngậm ống thổi: phạt đến 3 triệu đồng... Quy định này minh chứng các nhà làm luật đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi phi văn hóa giao thông đường bộ. Tất cả những hành vi phi văn hóa đó trở thành nỗi nhức nhối của những người có văn hóa giao thông.

Để nâng cao trình độ văn hóa giao thông cho công dân; trước hết, một biện pháp tuy không mới nhưng phải duy trì thường xuyên, liên tục và đa dạng hình thức, phù hợp tâm lý lứa tuổi và môi trường sinh sống, học tập, làm việc là tuyên truyền về vấn nạn tai nạn giao thông, thực trạng, nguyên nhân và hậu quả nhiều mặt của nó đến đời sống xã hội, mỗi người, mỗi gia đình và cách khắc phục, phòng ngừa, bảo vệ. Thứ hai, tổ chức đào tạo và kiểm tra gắt gao điều kiện cấp bằng lái xe các loại để loại bỏ những trường hợp không đủ điều kiện. Xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ kịp thời. Thứ ba, điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nữa là hình thành cho được dư luận xã hội rộng lớn, thái độ và cảm xúc xã hội rõ ràng trước mỗi hành vi tham gia giao thông. Hành vi phi văn hóa phải bị lên án, chỉ trích, đả phá; hành vi văn hóa, tôn trọng và hiểu biết Luật Giao thông đường bộ phải được biểu dương, khích lệ, tôn vinh. Việc làm này phải làm thường xuyên liên tục để ai cũng biết, cũng được tường tận, được chứng kiến con người tốt đẹp bằng xương bằng thịt, có việc làm cụ thể, địa chỉ rõ ràng, hiển hiện trước mắt mình. Từ đó, hình thành ý thức và hành vi thực hiện pháp luật giao thông đường bộ ở mọi con người như một lẽ tự nhiên, như cơm ăn nước uống hàng ngày... Dư luận xã hội đồng thuận vấn đề trên sẽ có tác động mạnh mẽ đến tâm lý, tình cảm pháp luật giao thông đường bộ, thái độ ứng xử của người tham gia giao thông. Đồng thời tác động đến sự tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi ứng xử khi tham gia giao thông đường bộ của mỗi cá nhân trong phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hiện hành.

Ths. Dương Văn Chăm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN