Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại

11/04/2022 - 06:00

BDK - Để kịp thời ứng phó và phòng tránh có hiệu quả ảnh hưởng của diễn biến thời tiết, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp, đề ra phương án ứng phó, xử lý. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, duy trì việc đo độ mặn tại các cửa sông để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và có kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi phù hợp, nhằm đảm bảo hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Thu hoạch nghêu tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại. Ảnh: Hương Thu

Thu hoạch nghêu tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại. Ảnh: Hương Thu

Công tác phòng chống thiên tai

Trong quý I-2022, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, chuyển tiếp các thông tin dự báo, tình hình thiên tai, đặc biệt là diễn biến xâm nhập mặn; từng lúc, kịp thời tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tuần tra định kỳ trên 3 tuyến đê biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi năm 2022, ngành đã khảo sát thực tế công trình sửa chữa hư hỏng mặt đê biển trên địa bàn xã Thới Thuận (giai đoạn 2) và xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại. Tăng cường công tác đo, kiểm tra độ mặn trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước (NMN) để vận hành công trình lấy, trữ nước. Thường xuyên cập nhật, thông báo tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết chủ động trữ nước ngọt dùng trong  sinh hoạt và sản xuất. Tăng cường công tác bảo dưỡng hệ thống cấp nước: máy bơm, hệ thống bơm định lượng hóa chất, đường ống kỹ thuật, cụm xử lý, để cấp nước được liên tục. Sẵn sàng hoạt động cấp nước tập trung tại các NMN qua hệ thống lọc RO phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân khi hạn mặn xảy ra. Thực hiện kết nối mạng lưới cấp nước, chuyển nước ngọt từ các NMN có nước ngọt, độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của các NMN nơi có độ mặn cao.

Liên kết chuỗi giá trị

Đến nay, toàn tỉnh có 104 tổ hợp tác (THT), 55 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan. Chuỗi dừa, đã hình thành 47 THT, 27 HTX. Xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung, kết quả diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 13.125ha, trong đó đạt chứng nhận là 7.249ha. Chuỗi bưởi da xanh, hình thành 32 THT, 9 HTX thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp, diện tích khoảng 542ha. Chuỗi con heo, đã có 2 THT và 3 HTX, có 134 hộ tham gia với khoảng 10.028 con. Chuỗi con bò, đã có 1 THT và 4 HTX tham gia liên kết với các công ty và HTX với 1.600 con, chiếm 0,6% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh. Chuỗi tôm biển, đã có 1 THT và 3 HTX tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp, tổng diện tích 243,28ha.

Tham quan mô hình trồng chôm chôm tại huyện Chợ Lách. Ảnh: Hương Thu

Tham quan mô hình trồng chôm chôm tại huyện Chợ Lách. Ảnh: Hương Thu

Ngoài ra, các chuỗi cây chôm chôm, nhãn và hoa kiểng chỉ mới hình thành được các liên kết ngang và bắt đầu thực hiện liên kết dọc với các công ty, doanh nghiệp, nhưng diện tích vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tạm thời, chưa có sự ràng buộc bởi các hợp đồng liên kết. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang chủ động hơn trong việc tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi. Mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các ngành và địa phương triển khai thực hiện vùng sản xuất tập trung đối với dừa, heo, bò, tôm biển và hoa kiểng. Ngành cũng đang phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch vùng sản xuất 750ha cây ăn trái chôm chôm, sầu riêng, xoài... gắn phát triển chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Hỗ trợ phát triển xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, có 16.177ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ; trong đó, dừa 7.249ha, cây ăn trái 487,55ha, thủy sản 8.440ha. Có 5/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực địa phương. Đã cấp 45 mã vùng trồng với diện tích 614,3ha nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh.

Toàn tỉnh có 21 mã cơ sở đóng gói. Trong đó, có 17 cơ sở đóng gói xuất khẩu sản phẩm trái cây nhãn, chôm chôm, xoài, măng cụt... đã được cấp mã sang thị trường Trung Quốc; 4 cơ sở đóng gói xuất khẩu sản phẩm trái cây nhãn, chôm chôm, xoài… đã được cấp mã xuất sang thị trường Mỹ, Úc, New Zealand. 2/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý là bưởi da xanh, dừa xiêm xanh. Triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, hoa kiểng, con heo và con bò; 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương là bò Ba Tri, sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre.

Ngành cũng đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó duy trì, chăm sóc vườn cây đầu dòng, vườn sưu tập cây đạt giải trong mùa khô do hạn mặn. Cung cấp mắt tháp bưởi da xanh cho các cơ sở sản xuất cây giống trong tỉnh. Thực hiện các mô hình thuộc chương trình giống như: Mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo; vi ghép bưởi da xanh sạch bệnh; mô hình vườn dừa kiểu mẫu; mô hình phát triển gốc ghép cây có múi chịu mặn trên các vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, tỉnh có 131 sản phẩm OCOP; trong đó có 67 sản phẩm 3 sao, 64 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

“Người dân nhận thức được sự cần thiết và hiệu quả của sự liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, trình độ và nhận thức của các hộ sản xuất, kinh doanh ngày càng cao. Ngành đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt người dân. Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đều phát huy tác dụng như ngăn mặn, trữ nước, nguồn nước bớt ô nhiễm, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân. Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh. Trong quá trình triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, thường xuyên phối hợp kiểm tra, tổ chức họp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội)

Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN