Tai nạn giao thông do rượu, bia: Nỗi niềm của người ở lại

28/02/2018 - 20:49

Vợ và con anh Trần Văn Trọng trước ngôi nhà xập xệ. Ảnh: T. Đồng

Vợ và con anh Trần Văn Trọng trước ngôi nhà xập xệ. Ảnh: T. Đồng

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 89 vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến nồng độ cồn, chiếm tỷ lệ 32,6%, làm chết 75 người, bị thương 14 người, để lại những hậu quả đau lòng cho gia đình nạn nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.

Mất mát khôn nguôi

Cây mai trong sân vẫn còn đơm hoa nhưng ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1955) ở ấp Giồng Cốc, xã An Đức, huyện Ba Tri vắng lặng, im ắng. Lúc chúng tôi đến, ông Tư Trường không có ở nhà, ông đến nhà người quen trong xóm cho khuây khỏa, ở nhà nhìn bàn thờ người vợ đã mất, ông lại thấy xót xa.

Ông Trường và vợ - bà Hồ Thị Ba (sinh năm 1956) là nạn nhân trong vụ TNGT xảy ra vào lúc 21 giờ, ngày 18-12-2017, trên đường huyện 14, thuộc ấp Giồng Cả, xã An Đức, huyện Ba Tri. Khi ấy, hai ông bà đang đi xe đạp điện từ hồ nuôi tôm của gia đình trở về nhà thì bị tai nạn. Bà Ba đã tử vong trên đường đi cấp cứu, còn ông Tư Trường bị thương bất tỉnh. 

Hai ông bà có 4 người con, 3 người đi làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ có vợ chồng người con trai út ở nhà kề cận. Gia đình có 3 công đất, ông vay ngân hàng 300 triệu đồng để nuôi tôm nhưng làm 5 năm thì hết 4 năm thất, đành mượn tiền người quen trả nợ trước cho ngân hàng. Ông đang tính cho người khác thuê lại đất để nuôi tôm thì xảy ra chuyện.

Những vết thương xây xát do vụ tai nạn đã dần lành lại, nhưng vợ mất, còn món nợ trước mắt, lòng ông Tư càng thêm trĩu nặng. “Tôi mong sao người dân có ý thức hơn, chấp hành luật giao thông, nhất là đừng nhậu say rồi lái xe, mất kiểm soát, gây TNGT” - ông Tư Trường nói.

Nhiều người dân ở ấp An Định 1, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri vẫn còn nhớ vụ TNGT vào đêm 23-12-2017. Khi xảy ra tai nạn, anh Trần Văn Trọng (sinh năm 1977) đang chở theo vợ là chị Nguyễn Thị Huỳnh Bôi và con gái Trần Thị Mỹ Tiên chỉ mới 4 tuổi. Vụ tai nạn làm anh Trọng tử vong ngay tại hiện trường, vợ và con anh bị chấn động mạnh, bất tỉnh. Được bà con nhân dân đưa đi cấp cứu kịp thời, vợ và con anh Trọng đã tai qua nạn khỏi.

Tìm đến cuối chợ Ba Tri, nắng chiều xiên xiên rọi vào căn nhà xập xệ, nhỏ hẹp, nền thấp hơn mặt đường của gia đình anh Trần Văn Trọng. Hai vợ chồng anh Trọng thuộc diện hộ cận nghèo, đi trông nhà vệ sinh công cộng ở chợ Ba Tri, trước nhà để thêm được cái máy bơm hơi, vá ép, thu nhập mỗi ngày được 150 - 200 ngàn đồng.

Chồng mất, bản thân bị chấn thương chưa hồi phục hẳn, nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần làm chị Bôi yếu sức không đi làm nổi. Thêm phần con gái còn nhỏ nên chị tạm thời ở nhà trông con, kinh tế phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mẹ ruột và em gái đang làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh. 

Bần thần nhớ lại vụ TNGT đã cướp đi người chồng, chị Bôi xúc động: “Chúng tôi đang trên đường về nhà, ảnh vừa mới nói trời tối lạnh quá, còn lấy áo khoác ra mặc thêm, vừa dứt câu thì xảy ra tai nạn”.

Bà Phan Thị Thu Hồng, mẹ chị Bôi nói: “Con rể tôi chạy xe kỹ lắm, còn chở vợ con nên đâu có đi nhanh. Bao nhiêu mất mát của gia đình tôi cũng do người say xỉn gây TNGT mà ra”. 

Nỗi đau âm ỉ

Người gây tai nạn cho vợ chồng ông Tư Trường là anh Trần Văn Rạng (sinh năm 1978), thường trú ấp Giồng Chuối, xã An Đức, huyện Ba Tri. Anh Rạng là tài xế xe tải, chạy tuyến Bắc Nam, có vợ và con trai lớn nhưng đã ly thân. Chạy xe đường trường, cả tháng anh mới về thăm nhà một lần và chăm sóc mẹ già.
Theo lời kể của chị Trần Thị Út, em gái anh Rạng, hôm xảy ra vụ việc, trước đó anh đã có nhậu với anh em trong nhà. “Ảnh nói sáng hôm sau sẽ đi xe sớm nên mẹ tôi đã giăng sẵn mùng cho ảnh ngủ lại nhà, nhưng không hiểu sao ảnh lấy xe máy chạy đi đâu để rồi gây tai nạn”, chị Út kể. Từ ngày anh Rạng mất, mẹ già buồn khóc, nhớ thương, gia đình mất một lao động chính.

Cũng vì rượu bia, say xỉn mà anh Phạm Ngọc Trí (sinh năm 1977) đã gây TNGT thương tâm cho gia đình anh Trần Văn Trọng. Bản thân anh Trí cũng đã mất trên đường đi cấp cứu, để lại vợ và 2 con gái đang tuổi đến trường. 

Được biết, gia đình anh ngụ ở xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, anh làm thợ hồ đang xây dựng một công trình trên địa bàn xã An Ngãi Trung, đi đi về về vừa lo gia đình, vừa chăm sóc mẹ già ở ấp An Định 1, xã An Ngãi Trung. “Hôm nào nó làm xong cũng nhậu lai rai với bạn bè. Tôi nói con đi về xa, đừng uống rượu, mẹ lo mà nó bảo uống cho… đỡ nhức mình”, bà Trần Thị Phước, mẹ anh Trí vừa khóc vừa nói. 

Mấy tháng trước, bà bệnh tai biến, nói năng, đi lại khó khăn, chị và em trai đi làm xa, anh Trí và một chị gái nữa tới lui chăm sóc mẹ. Sáng hôm đó, trước khi đi làm, anh còn cắt đu đủ bán, đưa mẹ tiền chợ mà tối đó đã không về nữa. Tay cầm lọ thuốc anh Trí mua để trên bàn, bà Phước rưng rưng nước mắt.

“TNGT xảy ra là không ai muốn nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một số người vẫn còn chưa cao, từ đó tỷ lệ thương vong do TNGT vẫn còn nhiều. Để kiềm chế và kéo giảm TNGT trong thời gian tới, mọi người cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Đặc biệt không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia và nếu đã lỡ sử dụng rượu, bia rồi thì không nên lái xe mà đi bằng các phương tiện công cộng về nhà để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh”, Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh lưu ý.

 

Thanh Đồng

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN