
Khách tham quan phòng trưng bày về Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Ảnh: A. Nguyệt
Dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng
Có tư liệu cho rằng nguyên quán của Phạm Ngọc Thảo ở tỉnh Bến Tre. Có tư liệu nói ông là người quê Vĩnh Long. Căn cứ vào tư liệu của Tổng cục 2, Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam (viết năm 1995) thì ông sinh ngày 14-2-1922, tại tỉnh Long Xuyên. Ông còn có tên là Albert Phạm Ngọc Thảo, hoặc Albert Thảo. Mọi người thường gọi là Chín Thảo vì ông là con thứ tám trong gia đình.
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức Công giáo toàn tòng. Cha ông là Adrian Phạm Ngọc Thuần - người đã có hơn 4.000 mẫu đất và gần 1.000 căn nhà ở rải rác khắp các tỉnh Tây Nam Bộ.
Cả gia đình ông đều là “dân Tây”. Hầu hết các anh chị em của ông đều được sang Pháp học thành tài, có cuộc sống giàu sang, nhưng đều hướng về đất nước. Anh ruột ông - Luật sư Gaston Phạm Ngọc Thuần từng tham gia vào tổ chức chống Pháp từ năm 1943, sau đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8-1945) và làm đến chức Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ. Người anh trai thứ bảy của ông là Lucien Phạm Ngọc Hùng cũng từ Pháp về nước tham gia kháng chiến sau này và là Ủy viên Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phạm Ngọc Thảo không được sang Pháp học như các anh chị của mình, vì khi ông đủ tuổi đi học thì Đệ nhị thế chiến bùng nổ. Sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, ông ra Hà Nội học, tốt nghiệp bằng kỹ sư công chánh năm 1942 và về làm việc tại Sài Gòn từ năm 1943. Theo chân người anh, Phạm Ngọc Thảo tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 ngay từ những ngày đầu. Khi Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ, với bầu nhiệt huyết và sự phẫn uất của tuổi trẻ, ông gửi ngay một bức điện cho Tổng thống Pháp lúc đó là De Gaulle, lên án cuộc xâm lược của đế quốc Pháp tại Việt Nam và tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp của mình, xem việc lấy quốc tịch Pháp là điều sỉ nhục!
Phải chăng, đây là bước ngoặt của cuộc đời ông, bước ngoặt dấn thân vào con đường hoạt động yêu nước và cách mạng?
Trên đường Phạm Ngọc Thảo đi về miền Tây Nam Bộ để tìm lực lượng kháng chiến sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, có một sự kiện mà khi nhắc tới, không ai có thể không nao lòng trước số phận nghiệt ngã của ông! Đó là khi đi tới bến phà Mỹ Thuận, tìm mọi cách “hỏi thăm” cơ quan cách mạng, Phạm Ngọc Thảo không thoát khỏi con mắt cảnh giác của anh em dân quân du kích địa phương. Chờ đến tối, những thanh niên này bắt giữ Phạm Ngọc Thảo. Họ xét trong người ông gặp một khẩu súng lục, mép áo sơ-mi lại có hai sọc kẻ xanh đỏ, giống như cờ Pháp. Vậy là họ kết luận: đây đúng là “do thám” của Pháp, cần phải “thủ tiêu”. Thế là Phạm Ngọc Thảo bị trói chân tay đưa lên một chiếc xuồng chèo ra giữa dòng, choàng thêm một cục đá nặng vô cổ, rồi đẩy xuống sông… Nếu không bình tĩnh, thông minh, quả cảm và có tài năng, bản lĩnh thực sự, Phạm Ngọc Thảo không thể nào thoát khỏi cái chết gần như cận kề trong đường tơ, kẽ tóc!
Sau khi thoát nạn, Phạm Ngọc Thảo được gặp anh là Gaston Phạm Ngọc Thuần và được phân công làm việc ở Văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ.
Dường như số phận được định đoạt, để tiếp tục thử thách tài năng và trí tuệ của ông, đầu năm 1946, ông được lãnh đạo chọn đưa ra Bắc học khóa đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Đến cuối năm 1946, để tăng cường hoạt động “hậu địch” ở Nam Bộ, ông được giao nhiệm vụ mở lớp huấn luyện cán bộ tình báo để bổ sung cho Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Nhưng tổ chức được 2 khóa thì ông được lệnh cấp trên phải trở về Nam Bộ ngay.
Lúc này, Trung ương cũng cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho miền Nam đang kháng chiến, trong số đó có đồng chí Lê Duẩn. Một sự ngẫu nhiên như “tiền định”, Phạm Ngọc Thảo được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp đưa đồng chí Lê Duẩn về Nam, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bối cảnh quân Pháp đang đánh ra các tỉnh miền Trung và kiểm soát gắt gao các trục lộ giao thông Nam - Bắc.
Với trí thông minh và lòng quả cảm, Phạm Ngọc Thảo đã thực hiện được cái “mẹo” của mình trước mắt giặc, bằng cách cõng đồng chí Lê Duẩn (nói là bị bệnh ho lao, hen suyễn, đi tìm thầy, kiếm thuốc) nên giặc không dám đến gần. Nhờ vậy mà hơn một tháng sau, ông đã đưa đồng chí Lê Duẩn an toàn về đến Xuyên Mộc, thuộc vùng giải phóng của ta.
Đại tá Nguyễn Xuân Diệu - nguyên cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Trong một cuộc hội thảo nói về bản chất kiên cường, dũng cảm và trung thành của giới trí thức cách mạng Việt Nam, có lần đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã lấy tấm gương của Phạm Ngọc Thảo ra dẫn chứng. Đồng chí Lê Duẩn kể chuyện Phạm Ngọc Thảo suýt bị cho “đi mò tôm” (một cụm từ ám chỉ việc thủ tiêu đối phương) như thế nào và đi cùng đồng chí hàng tháng trời qua vùng tề ngụy ở miền Trung ra sao, ông nói: “Đó, người trí thức Việt Nam khi được giác ngộ cách mạng thì họ như vậy. Đó là những bài học cho chúng ta” .
Thâm nhập vào bộ máy chính quyền Sài Gòn
Có thể nói tài năng, bản lĩnh, mưu trí và phẩm chất kiên cường, dũng cảm của Phạm Ngọc Thảo đã chinh phục niềm tin của vị Bí thư Xứ ủy. Cuộc hạnh ngộ trên đã ảnh hưởng quyết định đến sứ mệnh lịch sử sau này của Phạm Ngọc Thảo.
Khi Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Ban Quân sự để giúp Xứ ủy về các vấn đề quân sự thì Phạm Ngọc Thảo dù gốc là “dân Tây”, gia đình địa chủ, ông vẫn được đề bạt làm Trưởng phòng Mật vụ. Đây là tổ chức tình báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam ở Nam Bộ.
Với vai trò mới này, Phạm Ngọc Thảo đã mở được nhiều khóa huấn luyện cán bộ tình báo cho các tỉnh, lập nên một hệ thống tình báo các tỉnh phía Nam, giúp việc đắc lực cho các quân khu nắm địch tình và làm công tác địch vận rất có kết quả.
Rồi như một “duyên phận” đã đến với ông. Năm 1949, khi tướng Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Nam Bộ, Ban Quân sự Xứ ủy Nam Bộ giải thể và phân bố lại các quân khu, Phạm Ngọc Thảo do có năng lực chỉ huy và tốt nghiệp Trường Võ bị ra, nên ông được cấp trên phân công về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410, chủ lực Quân khu 9.
Đại tá Tăng Thiện Kim - nguyên Chính trị viên phó kiêm Phó bí thư cấp ủy Tiểu đoàn 410, người đại diện tổ chức để kết nạp Phạm Ngọc Thảo vào Đảng, kể: Rất quý mến Phạm Ngọc Thảo, vì anh là người rất ham học các kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu cũng như các vấn đề chiến lược của cuộc kháng chiến. Anh còn ham mày mò, chế tạo ra chiếc cò nẩy cho súng cối. Có cái cò nẩy, súng cối bắn chính xác hơn trước nhiều. Khi có lệnh cho đơn vị học tập cách đánh đặc công, Phạm Ngọc Thảo đã cùng trinh sát bò vào đồn địch ban đêm để nghiên cứu cách bố phòng của địch và về đơn vị làm sa bàn, trình bày kế hoạch tấn công. Anh đã tham gia nhiều trận đánh, từ những trận đánh tiểu đoàn độc lập tới những trận đánh phối hợp trong chiến dịch. Nhiều trận đã đem lại thắng lợi to lớn, góp phần mở rộng vùng giải phóng Nam Bộ.
Hiệp định Genève (năm 1954) được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”.
(còn tiếp)
Nguyễn Quang Trị
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh